31/7/13

Diệp Linh tháng thứ năm

Năm tháng (6,2kg; 65cm => 6,85kg; 70cm: +0,65kg;+5cm)
Vèo cái con đã sang tháng thứ năm rồi, thời gian cứ vun vút như thoi đưa con nhỉ? Thời gian qua mau có nghĩa là con sắp phải đi trẻ, tạm rời xa vòng tay mẹ ít nhất 7 tiếng/ngày. Nghĩ đến điều đó mà thương con quá nhưng biết làm thế nào vì đó là chuyện buộc phải xảy ra đúng không con?

Sang tháng này mẹ bận rộn nhiều hơn vì con đã chuyển sang ăn chính thức ngày hai bữa bột. Vài ngày đầu con ăn rất ngoan nhưng sau khi đi tiêm phòng về thì lười ăn trông thấy. Mỗi bữa ăn của con mẹ biến thành hề đồng, vũ công, ca sĩ hay chị Kính Hồng...với đủ thứ đồ chơi, sách truyện, thế mà vẫn chẳng thấm tháp gì. Con vẫn cứ nhể nhả ăn từng thìa, rồi đến lúc hứng chí con hắt hơi phun cả đám mưa bột vào mặt mẹ (mà con tài thế, cứ nhè lúc ăn là con hắt hơi liên tiếp mới giỏi chứ! :D). Mẹ đã hạ quyết tâm để "nhẫn nại vô cực - dịu dàng vô đối" thế mà lắm lúc không kìm được phát cùn với con, chỉ muốn cho con nghỉ khỏe không cần ăn nữa...Thế rồi nụ cười thiên thần ấy lại toét ra chinh phục mẹ ngon ơ để cơn cùn bỗng chốc bay vèo đi đâu mất...

Năm tháng 5 ngày bố mẹ cho hai anh em con về quê chơi. Ngày gia đình mình về nắng nóng đến ngột ngạt thế mà cả chặng đường dài con không hề quấy khóc hay nóng sốt gì. Chiều đến tắm táp xong xuôi con ngoan ngoãn đáng yêu như một chú cún. Thay đổi môi trường sống đột ngột nhưng được cái con thích nghi rất nhanh. Mỗi tội được bác và mẹ tẩm bổ cho nhiều quá mà con thành ra bị táo bón nên cứ hai ngày là mẹ con mình lại phải lôi nhau ra hì hục...bơm mật ong! Không ai chụp cho mẹ cái ảnh lúc ấy chứ có thì chắc buồn cười lắm, ai đời chăm chăm đợi con output, đến khi nhìn thấy sản phẩm của con thì hể hả chả khác gì...vớ được cục vàng! :D

Ngày thứ năm ở nhà bác, mẹ phát mệt với những trò nghịch phá của anh Hiếu, lại thêm cái nóng như thiêu xối vào các bức tường. Hội chứng bê tông nơi đô thị thật đáng sợ vì nơi mẹ con mình ở không khí thoáng đãng trong lành quen rồi, còn ở đây nhà cửa san sát hơi nóng không có lối mà thoát đi. Thành phố thở hổn hển phả ra những làn khói bụi chứa đầy cacbonic...Con không than thở vì chưa biết nói còn mẹ thì vừa nóng - vừa mệt nên cáu um lên với anh con. Thế là ông ngoại sang đón anh Hiếu về bên nhà ông cho đỡ quấy mẹ. Anh trai ngốc xít của con vớ được cái Ipad của bà chơi game nên tớn tác ở nhà ông liền hai hôm không thèm về...Thế mà thật lạ, con cứ buồn rười rượi, ỉu xìu chẳng ê a cười nói như mọi ngày. Mẹ tưởng con ốm hay mệt vì nắng nóng nhưng không phải, đến khi mở điện thoại có clip ghi hình anh Hiếu thì con lại cười nắc nẻ (mà chỉ clip có anh con thôi chứ mở clip khác thì con quay đi chẳng thèm phản ứng luôn)

Bác bảo ra là nàng ta nhớ anh nàng. Con còn bé tí xíu mà đã tình cảm quá con gái ạ, nay mai rồi mẹ đi làm nữa thì tội cho con biết bao...

Ở thêm 5 ngày nữa mấy mẹ con mình khăn gói quả mướp để về Hạ Long. Sáng hôm ấy ông ngoại sang chơi đến trưa mới về, ông cứ bịn rịn nắm tay con "Cháu ông nhớ ngoan, hay ăn chóng lớn nhé!", rồi mẹ bế con đi chào lũ chim câu, tạm biệt con khướu suốt ngày í ới "Long ơi! Chào khách!" của nhà bác rồi lên đường về. Chú lái xe đến đón trễ hẳn 2 tiếng so với giờ hẹn nên con bị mất giấc ngủ trưa, lại bị đi đầy nắng và về nhà quá muộn để kịp tắm táp, ăn uống cho đúng giờ...

Có lẽ một phần vì thế mà con đã bị ốm - con sốt đùng đùng cả đêm hôm ấy và hôm sau nữa làm mẹ lo đến mất ăn mất ngủ. Cặp nhiệt độ cho con toàn 38-39 độ, có lúc đỉnh điểm là 39,8độ. Kiểm tra lợi con thấy sưng đỏ và lại nhú ra thêm 2 cái răng nữa nhưng sốt mọc răng thì không bao giờ sốt cao thế này. Quyết định cho con đi khám rồi bác sĩ chẩn đoán sốt do virus và bắt nhập viện điều trị...Lần này họ lại lấy máu của con nhưng không giống như lần trước mà là chọc cây kim luồn dài đưỡn vào tay con, từ đó nặn máu ra sao cho đủ làm xét nghiệm rồi cắm ven truyền nước luôn vào đấy! Lần đầu tiên nhìn cảnh tượng đáng sợ như vậy, giữ tay con mà mắt mẹ nhòe nước còn tai thì ù đi. Ước gì người phải chịu đau đớn là mẹ chứ không phải con, thương con, xót con lắm con ạ...

Truyền 7 tiếng mới xong chai nước con mệt ngủ li bì và chẳng chịu ăn uống bú mớm gì cả, mẹ lại ngồi che áo vắt sữa đổ từng thìa lên đôi môi đỏ ran vì sốt của con, chốc chốc con nóng quá mẹ phải chườm nước để hạ nhiệt. Căn phòng bệnh viện thì chật chội, ngột ngạt, ồn ào...Chỉ lo con lây thêm những bệnh khác thì khổ lắm, cả đêm mẹ thức ôm con thầm khấn Trời Phật phù hộ cho con mau khỏi để về nhà...

Hôm sau con dứt sốt hẳn và chịu chơi hơn. Theo dõi tình trạng con từ sáng đến chiều tối thấy ổn mẹ xin cho con được về. Ra khỏi taxi thấy tinh thần nhẹ nhõm hẳn đi, được về ngôi nhà yên bình của mình rồi con ạ, ở đấy không có kim tiêm, dụng cụ lấy máu cũng như vi khuẩn đáng sợ nên yên tâm mà khỏi bệnh con nhé!

Con vẫn phải tiếp tục uống thuốc kháng sinh thêm 3 ngày nữa mới đủ liều, kháng sinh làm rối loạn vi khuẩn đường ruột khiến con lười ăn và bị đi ngoài. Mỗi bữa thuốc là mỗi lần ám ảnh kinh hoàng của mẹ, sợ con trớ hết đống đồ ăn mẹ đã cạy cục vất vả từng thìa. Tội nghiệp con gầy tóp hẳn đi, mẹ cũng không biết làm sao ngoài cách chia nhỏ các bữa ra cho con đỡ sợ ăn, cả thuốc uống cũng chia ra như thế. Từng chút từng chút một như chim mớm mồi mà có bữa mẹ vẫn thất bại, nhìn con quặn người trớ ra ồng ộc mà thắt hết cả ruột gan...Mong lắm một ngày con ăn "trả bữa", đấy sẽ là món quà quý nhất dành cho mẹ lúc này đấy, con biết không?

Dứt vụ sốt virus giờ con lại ngạt mũi và ho, mẹ loay hoay trách mình vô dụng, vụng về không biết chăm để con ốm liên tiếp bệnh này qua bệnh khác...Lạy Trời con đừng ốm nữa, lạy Trời mai con uống mật ong đừng trớ ra nữa, cố khỏi bệnh con nhé - thương con lắm, con gái bé bỏng tội nghiệp của mẹ!

25/7/13

Sau cơn mưa trời lại sáng...


Xin cho con ra viện sau mấy ngày quay cuồng mất ăn mất ngủ...Giờ nhìn con mệt nằm thiêm thiếp ngủ tôi mới lại cảm nhận nỗi đau ấy, tại sao nó cứ kéo dài âm ỉ đến như vậy?

Người ta bảo giọt máu đào hơn ao nước lã, phải chăng vì thế mà những nỗi đau của chị luôn âm thầm len lỏi trong trái tim tôi mà không cách nào ngăn nó lại được...Chăm con ốm nằm viện lần này là lần thứ hai sau gần tám năm làm mẹ vậy mà tôi thấy gần như kiệt sức trong khi hết người thân này đến người thân khác vào ra...Vậy mà...những tháng năm nuôi con một mình, những trận ốm liên miên dai dẳng và những lần đem con đi cấp cứu của chị hầu như lúc nào cũng chỉ có một mình – đơn độc...

Nhiều lúc tôi không thể hiểu nổi sao chị lấy đâu ra mà nhiều sức lực đến thế - như một ngọn đèn bão dù cho mưa gió dập vùi cũng không sao làm tắt được...Chị cứ âm thầm sống, âm thầm cho đi và hiên ngang đối mặt với mọi thử thách khắc nghiệt của số phận. Sự hy sinh của chị làm tôi đau đến tận cùng. Tại sao chị không nghĩ riêng cho bản thân mình một chút, nếu sống theo cách đó có lẽ chị đã không phải khổ đau nhiều đến thế...

Lần về quê này tôi buồn nhiều hơn vui...Từ nỗi buồn mênh mang khi lần đầu ra thăm mộ ông bà tổ tiên, cho đến nỗi buồn chua chát khi phải chứng kiến những chuyện đắng lòng...

Đời tôi rất sợ phải nhìn thấy những mảnh bát vỡ - kể cả do vô ý đánh rơi hay đó là hậu quả từ những cơn thịnh nộ...Nỗi sợ ấy kéo dài đến độ ám ảnh vì khi tôi còn bé đằng sau cái bát vỡ sẽ là cơn giận lôi đình của bố và càng kinh khủng hơn khi có ai đó cố tình lấy mâm bát làm nơi trút giận. Âm thanh ấy xé nát màng nhĩ và những mảnh sắc cứa sâu vào trái tim như muốn tứa máu...Những mảnh bát sắc lẻm trộn lẫn cơm canh chỉ cần mất một ít thời gian là dọn sạch nhưng vết cắt vô hình của nó thì tôi không sao quên được...

Giá như lúc ấy có thể ôm lấy chị mà bật khóc thì tôi đã làm rồi – tôi không thể vì phải học chữ Nhẫn từ chị - Nhẫn để nuốt nước mắt chảy ngược vào trong, để vẫn thản nhiên nói cười như thể đó là chuyện chị đã sẵn sàng đón nhận. Tại sao sau bao nhiêu cố gắng không biết mệt mỏi đó lại là cái kết dành cho một người như chị? Chỉ mong rằng đó không phải là cái kết cuối cùng mà là cái kết để mở ra cho đời chị một chương mới...

Không hiểu sao lần nào gặp chị rồi ra về lúc nào trong tôi cũng trào lên một nỗi niềm khó gọi tên – cứ day dứt, khắc khoải và chua xót đến tận cùng...Để rồi lại bần thần nhẩm đọc một đoạn thơ trong bài "Tống biệt hành":
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong...
Lần nào chia tay chị tôi cũng thấy chông chênh như thế. Như lần lên Hà Nội thăm chị trước đây - khi chị đi tiễn tôi ở bến xe bụng bầu vượt mặt vẫn đòi tài xế sắp bằng được chỗ ngồi ghế trước cho em - và rồi từ vị trí ấy tôi nhìn bóng chị càng lúc càng nhỏ bé, nụ cười vẫn trên môi nhưng mắt thì ngấn nước...Ngày ấy và bây giờ lúc nào cũng thế, lúc nào chị cũng tất bật lo cho tôi từng tí như thể tôi mãi là đứa em bé dại của chị thủa nào...

Bao nhiêu lần tôi yếu đuối đầu hàng số phận là bấy nhiêu lần được chị xốc lại tinh thần, những lúc rơi xuống tận cùng của nỗi tuyệt vọng thì lúc nào chị cũng ở bên cạnh. Giá như tôi có thể sống bản lĩnh hơn để không trút vào chị những muộn phiền cho gánh âu lo của chị thêm đầy, giá như một ngày nào đó có thể thay đổi được những chuyện đã qua...Và giá như tôi có thể gánh đỡ cho chị ít nhiều những nhọc nhằn của kiếp người lắm nỗi gian truân này...

Có người đã nói rằng: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác”. Chị đã sống như thế, vẫn chanh chua bốp chát nhưng lại nhân hậu biết bao nhiêu, vẫn bon chen chợ đời nhưng luôn giữ được cái Tâm trong sáng, vẫn miệt mài cho đi yêu thương mà chẳng đòi hỏi người khác phải đáp trả...Những nỗi đau riêng mình chị cất giấu không cho ai nhìn thấy, chỉ khi đêm về nước mắt lại âm thầm rơi ướt đẫm trang Nhật Ký và những cơn ác mộng hãi hùng quãng đời thơ ấu trở về hành hạ chị trong những giấc mơ...Chị đem trao niềm vui và chỉ giữ cho riêng mình những đau buồn. Cứ thế, chị đã sống và in dấu trong trái tim tôi tự lúc nào không hay...

Chị bảo rằng con người ta đến được với nhau là nhờ Nhân Duyên. Có lẽ nhờ Nhân Duyên ấy mà tôi đã được là em của chị. Giữa tôi và chị luôn là những câu chuyện liên miên nên có nói với nhau nhiều đến đâu, thức thâu đêm suốt sáng để nói thì vẫn  không tài nào kết thúc được...Những bài học làm người thấm dần vào tôi qua những câu chuyện ấy, những hướng đi đúng cũng dần được mở ra và tôi biết rằng người hiểu tôi, thương tôi nhất vẫn luôn là chị. Tình thương ấy mênh mang cả đến đàn con cháu. Ở chị không hề có khái niệm “cái ngăn tủ” vớ vẩn như tôi chút nào...Để rồi tôi nhận ra rằng câu “anh em kiến giải nhất phận” thật là tàn nhẫn...Tôi và chị chẳng cần gì cao sang hay cho nhau tiền tài địa vị, chỉ cần những khoảnh khắc chị em bên nhau mà không có sự chen chân của bất kỳ “kẻ thứ ba” nào. Ấy vậy mà niềm mong ước bình dị ấy cũng bị chà đạp lên, phải chăng đàn ông là một lũ ích kỷ khi đố kỵ cả với tình chị em ruột thịt...

Con trở mình khóc, ôm con dậy bất giác hát lên lời ru não nề:
Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về
Tự nhiên ứa nước mắt vì thấy sao lời ví xa xưa sao giống chị đến thế? Mà những cánh cò thì chỉ thích bay thẳng về phía cơn giông thôi, phải không chị?

Giá như có thể quay về ngày xưa dù chỉ một lần thôi chị nhỉ? Khi em và chị ngồi chung một võng cùng đu đưa dưới khoảng sân trăng sáng, trong hương đêm nồng nàn với mùi dạ hương,  thoang thoảng mùi hoa cau và lấp ló màu trắng muốt của khóm quỳnh vừa nở...còn những câu chuyện thì cứ mãi miên man không dứt chẳng cần phải vướng bận thời gian, không gian hay bất kỳ điều gì khác...

Những ký ức thời thơ ấu với những lằn roi ngang dọc, với nỗi buồn nhiều hơn niềm vui cứ lần lượt hiện về bằng những câu chuyện kể. Dù muốn dù không thì ký ức cũng là những điều không thể phai nhòa và nếu như không có tuổi thơ bão táp ấy thì có lẽ em cũng không cảm nhận hết tình thương mà chị đã dành cho em nhiều đến thế, từ những lần em ốm chị dỗ dành cho ăn từng thìa cơm đến những lần phải đưa cả em đến lớp học để trông, từ những lúc hai chị em ôm nhau khóc vì cái chết của một con thỏ đến những lúc trốn chạy khỏi đòn roi...Và trong hố nước đen ngòm ấy em có thể ngoi lên vì có bàn tay chị kéo: “Cố lên rồi sẽ qua thôi...

Như lúc này em muốn bên cạnh chị biết bao nhiêu...Muốn nói với chị thật nhiều mà không sao mở lời ra nói được...Có lẽ em chỉ có thể nói một câu đơn giản mà chị đã từng nói với em: “Cố lên rồi sẽ qua thôi...” và em tin chắc rằng chị sẽ không - bao - giờ - gục - ngã...

Mong sao sau cơn mưa trời sẽ lại sáng...


4/7/13

Những trò chơi không thể quên của thế hệ 8x

Có khi nào bạn bất giác nhớ quay quắt những trò chơi mộc mạc mà vui đến cười thành tiếng cả trong giấc mơ của ngày xưa..
Cuộc sống thiếu thốn, rất nhiều người thuộc thế hệ 8X đã lớn lên cùng những trò chơi, những món đồ chơi cực kỳ mộc mạc. Đôi khi chỉ với những chiếc lá, mẩu gỗ, viên sỏi, mảnh sành, đôi dép và cái lon sữa bò..., mà 8X thời ấu thơ cũng có thể chơi cả ngày không chán.
Thế hệ 8X và những trò chơi “tự chế” không thể quên Tuổi thơ thiếu thốn, không có gì chơi, có thể ra vườn cắt tàu lá chuối về làm “súng” nổ lốp bốp
Thế hệ 8X và những trò chơi “tự chế” không thể quên  1
Chơi đồ hàng. Đóng vai bố, mẹ, con thành một gia đình nhỏ xíu. Lấy lá
dâm bụt làm tiền. Hái một xấp tiền rồi đi chợ mua đồ ăn, cũng trả lại tiền...
Thế hệ 8X và những trò chơi “tự chế” không thể quên  2
Cười giòn tan với trò lia ống bơ (nhiều nơi gọi là tạt lon)
Thế hệ 8X và những trò chơi “tự chế” không thể quên  3
Những con quay (con vụ) không thể thiếu trong kỷ niệm tuổi thơ của 8X
Thế hệ 8X và những trò chơi “tự chế” không thể quên  4
Súng cao su (ná) loại làm bằng dây chun
Thế hệ 8X và những trò chơi “tự chế” không thể quên  5
Cỏ gà và chọi cỏ gà
Thế hệ 8X và những trò chơi “tự chế” không thể quên  6
Ấu thơ trong phần lớn những cô nàng 8X sẽ có trò chơi nhảy dây
Thế hệ 8X và những trò chơi “tự chế” không thể quên  7 Còn của các anh chàng 8X chắc chắn có trò bắn bi
Thế hệ 8X và những trò chơi “tự chế” không thể quên  8
Làm diều bằng sách vở cũ. Không có keo dán, dùng cơm nguội để dán diều
Thế hệ 8X và những trò chơi “tự chế” không thể quên  9
Trò chơi tìm số cực kỳ phổ biến trong lớp học
Thế hệ 8X và những trò chơi “tự chế” không thể quên  10
Súng phốc làm từ ống tre nhỏ. Cho quả xoan non hoặc giấy vụ vo trò vào làm “đạn” bắn đau điếng, "tức muốn chết"!

Kéo co bằng nhị hoa phượng (có nơi dùng hoa dâm bụt)
Dân mạng tiếp tục rưng rưng với kí ức tuổi 8X
Chơi bài tiến lên bôi nhọ nồi
Thế hệ 8X và những trò chơi “tự chế” không thể quên  10
Đồng hồ tự chế từ lá dứa, cũng có nhiều nơi làm bằng lá dừa
Thế hệ 8X và những trò chơi “tự chế” không thể quên  11
Cho chuồn chuồn cắn rốn vì "niềm tin bất hủ": chịu đau rồi sẽ biết bơi
Thế hệ 8X và những trò chơi “tự chế” không thể quên  12
Đua tốc độ theo cách của 8X
Thế hệ 8X và những trò chơi “tự chế” không thể quên  13
Đi bắt dế, chơi trò đá dế
Thế hệ 8X và những trò chơi “tự chế” không thể quên  14
Trò tung dép, các nàng 8X hay chơi hơn các chàng

Trồng nụ trồng hoa

Lấy que tính nhựa chơi trò chấm song

Chơi ô ăn quan

Cũng bằng những viên sỏi, có thể tạo ra rất nhiều trò chơi

Gẩy vòng chun (bắn chun). Nếu vòng chun này đè một phần lên vòng chun kia
thì thắng

Đánh chuyền. 10 que tre cùng trái banh nỉ là hội con gái có thể ngồi chơi cả
chiều không chán...

Đèn lồng tự chế từ những lon nước ngọt đã xài qua. Đây cũng là sản phẩm trong một bài học của môn Kỹ thuật thời tiểu học

Bóp nổ tanh tách những tấm nilon chống sốc cũng là một trò tiêu khiển rất được các teen 8x khoái
Tuổi thơ thiếu thốn của thế hệ 8X khác tuổi thơ đầy đủ của em, của con, của cháu, của những thế hệ sau họ rất nhiều. Nhưng dù thiếu thốn, bao nhiêu người 8X vẫn lớn lên, vẫn trưởng thành và cảm thấy trân quý, "rưng rưng" với tuổi thơ mộc mạc ấy.
Những trò chơi đơn giản, ngây ngô mà "vui thả ga" của ngày xưa có lẽ sẽ còn in sâu trong ký ức của thế hệ 8X. Để mỗi khi nhớ về, họ thấy lòng thanh thản, bồi hồi và mỉm cười với "1 vé đi tuổi thơ"...
Linh San
Ảnh: Sưu tầm

1/7/13

Cái ngăn tủ

Mình đã đọc ở đâu đó rằng: "Trái tim con người ta cũng chỉ có giới hạn giống như cái ngăn tủ, thêm thứ này vào thì phải bỏ bớt thứ kia ra". Áp dụng với mình thấy câu đó trước nay không sai bao giờ, kể cả đó là tình yêu đối với các con...

Sinh Diệp Linh, rồi bận chăm con, bận việc nhà, bận công kia chuyện nọ...mình như rối lên suốt 24 tiếng một ngày. Thời gian để trò chuyện, âu yếm cu Hiếu dường như bị đánh cắp tự lúc nào. Đôi lúc thấy con ngẩn ngơ nhìn mẹ cưng nựng em rồi buột miệng hỏi mẹ: "Mẹ ơi, hồi con bé mẹ có yêu con như yêu em không?", rồi những lúc nghe con dỗ em: "Em phải ngoan nhé, không sau này lớn như anh là không được mẹ chiều nữa đâu!"...

Những lời nói ngây thơ của con nhưng vẫn làm mình chạnh lòng, phải chăng lâu nay mình thiếu quan tâm đến con, ít yêu con hơn trước? Ngay cả nhật ký cho các con cũng dành phần nhiều cho Diệp Linh, vậy mà con chỉ dừng lại ở việc so sánh chứ không đố kỵ vì con đã được mình dạy cho cách yêu em ngay từ khi em còn chưa chào đời...

Con ít được yêu chiều hơn trước thậm chí còn bị bố mẹ trách mắng nhiều hơn vì những lúc con nghịch làm em giật mình, hay va phải làm em khóc thét. Thời gian mẹ dành trọn vẹn cho con nhất là lúc em đã say ngủ, lúc ấy mẹ khe khẽ ôm con vào lòng, cố gắng "bù đắp" cho những lúc con trai thèm hơi mẹ mà không được vỗ về...

Nhớ lúc chưa sinh em, thói quen hàng ngày của con là đi học về tới việc đầu tiên là chạy vào ôm mẹ, thơm cái "chút" lên...môi mẹ, rồi mỗi khi uống sữa là mỗi lần con ngâm nga thật lâu để...sờ má mẹ. Nhờ thói quen này của con mà mẹ biết thêm một hãng sữa mới, đó là sữa Sờ Má vì có lần con bảo: "Uống sữa Sờ Má thích nhất vì má mẹ ấm, sờ vào thích lắm!". Những thói quen đáng yêu này của con đã biến mất tự lúc nào vì mỗi lần con lại gần là mỗi lần "để yên cho em ngủ con", "từ từ đã, mẹ đang bận cho em ăn"..vv..và..vv.. 

Hình như mẹ đã sai rồi...

Người ta hay bảo nước mắt chảy xuôi, rằng tình yêu bố mẹ dành cho con cái là bao la nhất nhưng mẹ không nghĩ thế vì tình yêu con dành cho mẹ cũng rộng lớn đến vô cùng, con có thể ôm chầm lấy mẹ rồi nức nở hôn hít mặc kệ lưng áo mẹ đang ướt đẫm mồ hôi, con có thể lại sà vào lòng mẹ ngay sau khi bị mẹ mắng tơi bời, con có thể bỏ dở trò chơi đang yêu thích để giúp mẹ việc nhà, con có thể nhổ tóc sâu cho mẹ cả ngày vì "con muốn mẹ đẹp hơn", và còn rất nhiều điều "con có thể" nữa....

Có lẽ mẹ phải nới rộng cái "ngăn tủ" chật chội đáng ghét của mình để yêu thương con nhiều hơn, con trai nhỉ? Để được như thế mẹ phải kiềm chế những cơn nóng giận vô lý với con, bỏ qua cho con những lỗi không đáng để trách phạt, lắng nghe những câu hỏi bắt đầu bằng hai tiếng "mẹ ơi" một cách có trách nhiệm thực sự...Cho mẹ thời gian để thử làm lại, bắt đầu từ ngày hôm nay, con trai bé bỏng nhé!

Vô thường...

Chuyện thứ nhất...
Nhận một tin nhắn trong inbox từ một chị bạn nói về một người quen của chị ấy vừa qua đời...Sự ra đi không phải do sắp đặt từ Thượng Đế mà lại với một lý do lãng nhách "nhậu quá đà"...An ủi chị rằng thôi thì cứ nghĩ đằng sau cái vô thường ấy sẽ còn một thế giới khác sống động và tốt đẹp hơn cho người xấu số  nhưng sao vẫn buồn chi lạ dù chỉ là trong vai "một - người - dưng" - giống chị...

Chuyện thứ hai...
Nhờ chị chồng mua hộ mớ rau cho bữa tối mà mãi 7h30' chị mới về tới, tưởng chị về muộn vì bán đắt hàng ra là cố nán lại để xem thằng con bà bạn chợ có đánh mẹ không để còn can ngăn...Tội nghiệp người đàn bà đó tuần nào cũng bị thằng con mất dạy đánh đến mấy lần vì không cho tiền chơi game, "đập đá"...Có người thương chị ta nhưng có người cũng tặc lưỡi: "Ôi dào, chồng đã đi tù còn chiều con rõ nhiều vào, đáng đời!". Chợt rùng mình khi hình dung ra cảnh một đứa trẻ 13 tuổi vác kiếm đuổi theo chém mẹ khắp phố chợ...

Chuyện thứ ba...
Đứa hàng xóm một bước lên đời vì nhà chồng bán đất, nàng ra õng vào ẹo ngày thay 5 bộ quần áo hàng hiệu tuyền là mốt "thiếu vải" với "rèm thưa", mặc thiên hạ ì xèo vì nhà nàng có truyền thống ăn quỵt, đến vài chục nghìn tiền thuế đất cũng để bà tổ trưởng đi hò hét rát tai...Lại còn trò chành chỏe với khắp lượt hàng xóm của hai mẹ con nhà nàng chẳng ai ưa nổi. Giờ nàng lên xe xuống ngựa. nhà chất thêm hai lầu mới, xe SH bóng lừ...Đùng một phát, chồng nàng - trụ cột chính của gia đình hơn chục năm nay - bỗng đứt mạch máu não sau trận nhậu ra trò...Hàng xóm có người hỏi thăm, người hỉ hả...Chả biết đống tài sản với nguyên ba cái tàu há mồm ấy cùng một người nguy cơ sống đời thực vật rồi sẽ đi về đâu?

Chuyện thứ tư...
Bà cụ hàng xóm già cả sang nhà chơi khoe đứa con cả xây được cái biệt thự mini, đứa con thứ mua được mảnh đất mấy trăm triệu, rồi đứa cháu gái mới nhõn 30 cũng tích lũy được số vốn kha khá...Nghe cụ kể chuyện với ánh mắt sáng ngời bỗng dưng vẩn vơ nhìn sang căn nhà của cụ nằm chơ vơ đơn độc một góc xóm nhỏ...Hơn bảy chục tuổi đầu cụ vẫn sống một mình như người già neo đơn với thu nhập từ tiền trợ cấp người cao tuổi và thu hái rau củ trong vườn...Khoảng cách giàu - nghèo nó bỗng mong manh làm sao...

Kết...
Chị bạn tôi đã thốt lên một câu đầy cảm thán: "Cuộc đời vô thường quá!" và tôi thấy thật đúng. Ở đó mọi ranh giới, mọi cái chuẩn đều mong manh...Chả ai biết rồi ngày mai mình sẽ ra sao, sẽ gặp phải những gì, đối diện với những thử thách gì...Và rằng nếu ai đó biết được mình hay những người thân yêu của mình chỉ còn một ngày để sống, có lẽ họ đã sống trọn vẹn hơn, trao yêu thương nhiều hơn và cất giấu thật kỹ cái tôi, cái ích kỷ tận sâu thẳm nơi đáy tâm hồn...

Nhìn chuyện đời - ngẫm chuyện mình, chẳng biết là đang buồn hay đang lẩn thẩn...Chỉ biết rằng ở một góc nhỏ trong trái tim có những cái nhói đau rất thật - rất lạ như thể đó là chuyện của chính mình...

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Thanh Huyền - Premium Blogger Themes | Premium Wordpress Themes
Lên đầu trang
Xuống cuối trang