23/7/14

Cách làm kem chuối dứa đóng hộp


Nguyên liệu:
6 quả chuối tây chín loại to, 2 quả dứa chín loại bé nhất, 1/2 lon cốt dừa, 100gr dừa nạo, 5k lạc rang chín xát vỏ giã dập, 4 thìa cafe đường, xíu xiu muối.

 
Cách làm:
Để tay lên con dao to bản âń từ từ xuống qủa chuối, nó sẽ dẹt dần dần, xếp 1 lớp 3 quả chuối xuống đáy hộp. Dứa thái mỏng 1 quả trải lớp kế tiếp, pha 1/2 lon nc cốt dừa với 2 hộp sữa chua trắng có đường+ 4 thìa cafe đường+xíu xiu muối rồi nếm sao cho vừa miệng là ok. Rắc dừa nạo lên trên lớp dứa, đổ 1/2 hỗn hợp cốt dừa vừa pha vào, tiếp tục lớp thứ 2. Cuối cùng rắc lạc rang. Xong để lên ngăn đá khoảng 5h là măm được thôi mn ah!

Chị viết...


Trăng sáng quá! Lâu lắm mới lại được nằm võng đu đưa mà ngắm trăng như thế này... Nằm nghe gió mơn man hòa cùng giai điệu sâu lắng "Going home" của Kenny G, thấy lòng chợt chùng xuống... Chợt nhớ lần đầu tiên được nghe những bản nhạc dịu dàng sâu lắng này khi được em gái mua cho dạo hai chị em ở HN, nghe lại như mới đây thôi, mà thời gian đã xa xa lắm. Ước gì có Huyền ở đây lúc này nhỉ.! Bản nhạc "trở về nhà" vẫn đang da diết... Ai cũng có thể đi bất cứ đâu, nhưng chỉ có một nơi để trở về. Những người thân yêu của tôi ơi, mong mỗi người đều có một chốn bình yên nhé, để sau mỗi cực nhọc mưu sinh, lại mong muốn mau mau "trở về nhà"...

Chửi mắng lời dạy của đức Phật


Một lần, Phật đi giáo hóa vùng Bà La Môn, Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo… sau chửi. Thấy Phật thản nhiên làm thinh , họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:

- Cù-đàm có điếc không?
- Ta không điếc.
- Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
- Này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
- Quà ấy về tôi chứ ai.
- Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.
Người kêu tên Phật chửi mà Ngài không nhận. Còn chúng ta , những lời nói bóng, nói gió ở đâu đâu cũng lắng tai nghe, để buồn để giận. Như vậy mới thấy những lời cuồng dại của chúng sanh Ngài không chấp không buồn. Còn chúng ta do si mê, chỉ một lời nói nặng nói hơn, ôm ấp mãi trong lòng, vì vậy mà khổ đau triền miên. Chúng ta tu là tập theo gương Phật, mọi tật xấu của mình phải bỏ, những hành động lời nói không tốt của người, đừng quan tâm. như thế mới được an vui.
Trong kinh, Phật ví dụ người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận lời mắng chửi đó thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rơi xuống ngay mặt người phun. Thế nên có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc. Từ đây về sau quí vị có nghe ai nói gì về mình, dù tốt hay xấu, chớ nên thọ nhận thì sẽ được an vui.
Tuy có chướng duyên bên ngoài mà chúng ta biết hóa giải, không thọ nhận, đó là tu. Không phải tu là cầu an suông, mà phải có người thử thách để có dịp coi lại mình đã làm chủ được mình chưa. Nếu còn buồn giận vì một vài lí do bất như ý bên ngoài. Đó là tu chưa tiến.
Đa số chúng ta có cái tật nghe người nói không tốt về mình qua miệng người thứ hai , thứ ba, thì tìm phăng cho ra manh mối để thọ nhận rồi nổi sân si phiền não, đó là kẻ khờ, không phải người trí.

Cách làm sấu ngâm giải khát

Nguyên liệu: 
- 3 cân sấu, 
- 3 cân đường, 
- 2 lạng gừng, 
- 1.5l nước, 
- 2 thìa muối.

Cách làm:
Bước1. Mua sấu về, gọt vỏ,ngâm với nước muối loãng tư 30' đến 60' ( bước này làm cho sấu tránh thâm và giòn). Sau đó vớt ra, rửa sạch 3 lần với nước lã cho sạch nhớt và bớt chát. Cuối cùng ngâm sấu với nước đun sôi để nguội tầm 15' , rồi đổ ra rổ để hong khô tầm 6 tiếng.

Bước 2: đun 1.5l nước với 3 cân đường, đun sôi tầm 5' cho nước đuong tan và sánh. Sau đoa cho gừng đập dập vào đun thêm 2' nua rui để nguội,


Bước 3: sấy khô bình đựng, hong khô sấu xong thi đổ vào bình, cho nước đường vào. Sau 24h có thể thưởng thức được rùi ạ.


Bình nhà em ngâm sấu giòn tan ấy ạ...
Chúc cả nhà thành công.

Sống đẹp

Theo dõi truyền thông trong suốt thời gian gia đình nhà Brangelina ở Việt Nam, những hình ảnh về Angela Jolie khiến tôi vô cùng ấn tượng.

Đó là một bà mẹ đầu bù tóc rối, trang phục tuềnh toàng, tất tả đi theo “hầu hạ” bầy con lốc nhốc, chứ không phải một siêu sao trên thảm đỏ, khoác những trang phục lộng lẫy và cười thật tươi trước ánh đèn flash. Bởi tôi cũng là một bà mẹ, và tôi nghĩ…

Nhiều người bất ngờ khi biết tôi đã sinh bé Nhím trong một nhà hộ sinh cấp quận huyện, vô danh, cũ kỹ. Và nuôi bé bằng thứ sữa bột quốc nội mà ngay cả các cô bán sữa cũng bĩu môi chê là bình dân. Và bé lớn lên tự nhiên mà chẳng được tham gia lớp học kỹ năng mềm hay lớp năng khiếu, lớp học thêm nào, như những bé trai bé gái con của những ông bố bà mẹ trẻ thời đại @. Hành trang của con chỉ có mỗi sách và bút là luôn xa xỉ. Con luôn đủ sách để no nê cơn thèm đọc, để con yêu việc đọc! Và những bút màu, bút chì, bút lông, bút vẽ và bút để viết đẹp nhất được gửi từ Tây Tàu về. Để con yêu việc viết!

Khi em của Nhím ra đời, quà mẹ chuẩn bị chào đón em cũng không phải tã lót đẹp nhất, bỉm sữa cao cấp, mà là mấy bài hát ru mẹ tự sáng tác, mấy thứ đồ chơi mẹ tự làm, mấy chiếc áo liền và tã quấn do mẹ tự khâu tay. Tất nhiên, người ngoài sẽ thấy đó là những thứ rẻ tiền mà lại mất thời gian, chỉ tốn rất ít tiền đã có được, còn gia đình ta đều thấy đôi thứ nhỏ mọn đó là những thứ quý giá tuyệt vời, tượng trưng cho hạnh phúc.

Trong hành trình lớn của các con, tôi luôn bị đặt vào giữa những tình huống lựa chọn rất đối lập: Xã hội đánh giá chúng ta qua những giá trị nổi bật, chúng ta có bao nhiêu trong tài khoản, chúng ta chi tiêu ở đẳng cấp nào, chúng ta quê mùa hay hãnh tiến, chúng ta tự tin tiến bộ hay chúng ta câu nệ, ăn mặc lịch sự hay xuềnh xoàng, đã bao lâu chưa thăng chức?

Và ngược lại, chúng ta lại tự nhìn nhận chính mình bởi những giá trị khác: Ta có hạnh phúc không, ta có tử tế hơn ngày hôm qua không. Thậm chí, gần đây mẹ đặt ra cho con một nhiệm vụ: Mẹ muốn con phản bác mẹ!

Và rõ ràng, những mục tiêu đó của đời ta, những mong muốn của mẹ và kỳ vọng về con, nếu chỉ có mỗi tiền, mà không có thời gian sống mẹ dành cho con, sự chăm sóc định hướng của cả gia đình, sự đón nhận của con, thì hoàn toàn không thể nào đạt tới được. Chỉ tiền thôi, không đủ.

Vì vậy, một phụ nữ muốn giữ những quan điểm cá nhân mạnh mẽ, buộc phải tự trả lời được những câu hỏi của đời sống: Giả dụ ta là một phụ nữ tầm thường sống ở một góc Hà Nội hay một chung cư dẫn ra những con đường kẹt xe của Sài Gòn, giữa một xã hội đầy rẫy bất an, thật giả bất phân, thiện lương cũng đầy rẫy nghi ngờ, sự tàn nhẫn thờ ơ lại được bao biện, muốn nổi tiếng hãy lột quần ra chụp ảnh, muốn con nên người phải có phong bì cho giáo viên, thì ta sẽ nuôi con theo cách của tiền hay cách của mình?

Cách của tiền là hãy để những dịch vụ cao cấp, bệnh viện nước ngoài, thực phẩm và giáo viên ngoại quốc làm mẹ yên lòng. Một năm lương công chức có thể đổi được vài ngày con vui vẻ với Disneyland ở Hong Kong. Nhà hàng năm sao và bể bơi cao cấp sẽ chăm sóc con đủ tốt. Hoặc một hũ váng sữa Đức của con buổi chiều đã bằng tiền ăn của toàn bộ học sinh một trường tiểu học vùng cao Mù Căng Chải. Dường như một nữ triệu phú là đủ để thành mẹ tốt?

Cách của mẹ là nuôi con bằng những lựa chọn nhỏ nhặt hàng ngày: Chọn những gì mẹ tin, mẹ cho là tốt, nuôi con theo cách mẹ đã trưởng thành, và để con đối mặt với xã hội. Dù trong lòng mẹ luôn sợ rằng, có thể con sẽ ngộ độc thực phẩm khi uống sữa khuyến mãi của trường tiểu học, sẽ lệch dinh dưỡng khi ăn bữa cơm trưa ở trường, sẽ dẫm phải kim tiêm khi đi chơi trong công viên công cộng, sẽ bị người đi đường tạt bụi và lấn đường, sẽ phải gánh trên vai chiếc cặp gù cả lưng.

Nhưng chúng ta muốn sống hạnh phúc, chứ chúng ta đâu muốn, con em ta sẽ lớn lên trong một cái lồng kính, vô trùng hoàn toàn với xã hội này, đến mức, một ngày nào đấy, con đánh mất cả khái niệm về xã hội và xa lạ với cuộc sống thật?

Nếu trong túi có hàng trăm triệu đôla, như Angelina Jolie, bà mẹ Việt Nam liệu có ý định đến một xứ sở xa lạ để chạy một chiếc xe máy trên con đường đông đúc hỗn loạn và nguy hiểm, có ý định sang châu Phi nghèo khó để sinh con, cho con ăn những món ăn rẻ tiền hơn cả bữa ăn của đám vệ sĩ quanh bà mẹ?

Nếu một ngày làm việc kiếm ra vài trăm triệu đồng, liệu bà mẹ có hy sinh những đống tiền của những ngày làm việc để dẫn con đi làm những gì con thích, hoặc cùng con đi nhiều ngày trong những hành trình của đại gia đình, như Angelina Jolie?

Và, nếu mẹ Việt Nam tỉ phú đôla, liệu có bao giờ nói cho con biết sự thật nơi con thuộc về, hoặc nơi con đến, hoặc nói thật với con về xã hội nơi con ra đời? Và nuôi dưỡng cho con sợi dây bền chặt với cộng đồng xã hội, với chân dung thật của xã hội này, nơi tất cả không màu hồng?

Đúng hơn, con sẽ tiếp xúc với một xã hội đã không bị tô hồng lên bởi tiền của bà mẹ tỉ phú!

Tôi thích Angelina Jolie vô cùng vì nữ diễn viên Mỹ đã thật đặc biệt trong vai trò một người mẹ. Để tôi thấy tự tin hơn với những lựa chọn của mình. Chúng ta đôi khi đã quá mất tự tin khi lựa chọn cách sống bản thân. Những cuốn sách dạy làm người “ngoại quốc” đã nhập khẩu về Việt Nam những phong cách sống và quan điểm sống thật hoang mang: Vô số người đã thuộc lòng Cổ học tinh hoa, bộ sách Quà tặng cho tâm hồn, những cuốn dạy kỹ năng mềm của nước ngoài, dạy người ta tự tin, sống đẹp, sống cao cả, dạy ta cách bùng nổ, cách làm người hiện đại. Nhưng sau khi đọc những cuốn sách dạy làm người được “nhập khẩu” ấy, ta sẽ sống ở xã hội nào?

Ta sẽ vẫn, vừa tâm đắc bởi sách, vừa khạc nhổ vứt rác dọc đường, gây sự khi đụng xe, bấm còi khi chờ đón con ở cổng trường? Ta sẽ vừa yêu thích Những tấm lòng cao cả dạy làm người có tình yêu và lòng trắc ẩn, sẽ vừa phóng thật nhanh qua như thể không trông thấy người chồng đánh vợ bên đường, kẻ cướp giật móc túi đang lộng hành trên xe buýt? Và ta sẽ về nhà, đóng cửa lại, yên tâm khi đã chi phí cho con rất nhiều tiền để con được học, được dạy, được sống trong một môi trường cao cấp và đắt tiền?

Sống đẹp không có nghĩa là phải sống y như trong sách, gặp một tình huống trớ trêu của số phận và ta có một quyết định anh hùng. Sống là ứng xử từng giây phút hiện tại, từng lựa chọn nhỏ nhoi, sự hài hòa giữa cá nhân, gia đình với cả cộng đồng. Là trân trọng từng giá trị đời sống.

Mẹ lựa chọn được sống đẹp, hẳn con cái sẽ chẳng bao giờ phản bội lại yêu thương.


Trang Hạ

Cho các con...

7 Tháng 7 2014 lúc 14:46
Lâu lắm rồi mẹ không có thời gian để dành viết cho các con kể cả những mốc phát triển quan trọng của Diệp Linh (SN 1 tuổi, 1,5 tuổi) và những thời điểm đáng ghi nhớ của Hiếu tồ (tốt nghiệp lớp 2, dành giải HSG...). Lý do lại vẫn là công việc - mớ công việc cứ quay cuồng lộn lên lộn xuống như một chiếc đu dây làm người ta phải chóng mặt...Thế rồi bộ phim mà mẹ và Hiếu tồ cùng xem sáng nay trên Star Movie làm mẹ tỉnh ra, anh chàng nhân vật chính trong phim nói một câu chí lý "người ta làm việc để sống chứ không phải sống để làm việc" - Đúng thế, có đáng không khi lao đầu vào công việc rồi bê trễ hết việc nhà, cả ngày còn không đủ thảnh thơi và có tâm trạng để ôm những người thân yêu của mình lấy một cái thật chặt, rồi đến bố mẹ cũng không có thời gian về thăm, bản thân ốm đau cũng không rảnh mà đi kiểm tra bệnh viện còn mặt mày thì lúc nào cũng đăm chiêu cau có đến là chán! :((

Giật mình sau câu nói đấy và mẹ tự kiểm chứng lại: mẹ là mẫu người "sống để làm việc" hay "làm việc để sống" nhỉ? Có lẽ mẹ cũng không biết nữa các con ạ...Chỉ biết rằng mẹ đang cố hết sức để yêu các con thật nhiều. Sau mỗi ngày bước từ công sở về nhà dường như tay chân mẹ rã rời còn đầu óc thì căng như dây đàn, thú vui xả stress lúc đó là ngay lập tức đi gội đầu để thổi bay cơn nóng và đến khi về nhà thì hì hụi làm mấy món quà vặt phục vụ các con. Hiếu tồ thích mê mẹ chế đồ ăn vặt cho nhé: nào là nui mì xào bò này, mì Ý này, siro hoa quả các loại này, khoai tây chiên này, sữa chua này, các loại bánh này...Con trai mẹ thích đến nỗi đi khoe lung tung cho bạn bè và mấy đứa em họ về những món khoái khẩu ấy. Sau rồi về báo cáo thành tích với mẹ: "Em ấy/bạn ấy ghen tị với con lắm và bảo sao mà mẹ chiều con thế!" :))

Đưa tay quẹt gương mặt vẫn chưa ráo mồ hôi mà mẹ vui ghê lắm vì những nỗ lực của mẹ được con là người đầu tiên nhìn nhận, cũng bõ những lúc mẹ hì hục làm sữa chua, ngâm siro đến 11, 12h đêm con nhỉ? Không biết có phải do tình yêu dành cho các con hay năng lượng tự sinh từ các con truyền sang mẹ mà bao nhiêu mệt nhọc bỗng tan biến hết tự lúc nào! Hiếu tồ biết không, điều mà mẹ thích nhất là nhìn con với em Diệp Linh thật mạnh khỏe, tiếng cười của các con lúc nào cũng tràn ngập trong gia đình mình và cả những trò lí lắc của các con khiến bố mẹ cười ngất nữa. Cái trò "chạt chạt mông khô" của em buồn cười con nhỉ, em giơ hai tay lên đầu, giậm giậm một chân và quay mòng mòng. Cái điệu bộ của em sao mà yêu thế không biết, còn đáng yêu hơn cả em bé quảng cáo bỉm Hugies phải không con? :D

Thời gian này mẹ thực sự thấy vui và ý nghĩa vì những cố gắng không mệt mỏi bên gia đình. Cả tá những món ăn mới mẹ cập nhật hàng ngày rồi bê tất công thức về nấu cho mấy bố con măm, nhà cửa dọn dẹp tinh tươm theo lịch ngày chứ không phải "lịch tuần/lịch tháng" với người giúp việc theo giờ như trước nữa. Chỉ cần mẹ dành thêm chút thời gian nữa để trò chuyện với các con thôi (mà Hiếu tồ lắm chuyện thì thôi rồi ý, trên trời dưới bể việc gì con cũng kể với mẹ, cho con nói thả cửa liệu có hết 4-5 tiếng liên tục như cô bé Tô Tô Chan không ấy Hiếu tồ nhở! :D). Hy vọng là các con với bố sẽ hợp tác cùng mẹ trong việc cùng "tưới tắm" cho cái cây gia-đình-yêu-thương của chúng mình bằng cách: bố giúp mẹ việc nhà nhiều hơn này, con nghe lời hơn và bớt lý sự đi một tí này, em Diệp Linh đang mọc hai cái răng nanh đau lắm nhưng cũng đừng có ốm sốt gì này (cái này thì khó phết nhỉ :D)..vv.. và..vv..

Thôi, hôm nay mẹ lan man quá đi mất các con nhỉ, tạm ngừng để copy công thức làm bim bim khoai tây cho Hiếu tồ và sữa chua hương dâu cho Diệp Linh ngày mai, mẹ chắc chắn mai Hiếu tồ sẽ thích nhảy cà tưng lên khi nhìn thấy sản phẩm bim bim của mẹ cho mà xem, chỉ nghĩ đến đó thôi mẹ cũng thấy hồi hộp...Hẹn mai nhé 2 nhóc yêu của mẹ!

Đàn bà “nước lọc”

Những người đàn bà như họ bị gọi là “nước lọc”. Họ không xấu nhưng không đẹp, không ăn bám cũng chẳng kiếm bộn tiền, không đần độn nhưng chẳng thể gọi là sắc sảo, cắm cúi làm vợ, đẻ con, vật lộn với đủ loại kế hoạch xoay quanh căn bếp, vườn nhà và lũ nhóc.

Khổ nỗi, những người đàn bà “nước lọc” lại hay vớ được các chàng “rượu mạnh”- hay ho, vững chãi và giỏi kiếm tiền. Các chàng đủ khôn ngoan để hiểu rằng cái giống nước lọc ấy tuy nhạt nhưng lành và mát: tưới vào cây - cây tốt, đổ vào gạo - gạo thành cơm, pha trà, uống thuốc đều cần tới cả. Cái giống nước lọc, đựng vào đâu cũng được, dùng gì cũng tiện, lại chẳng phân biệt sang hèn, dễ xin dễ kiếm, dễ dùng, dễ bỏ, không đòi hỏi, cũng chẳng cầu kỳ.



Các chàng cũng hiểu, những nàng thông minh thường khó lường, những nàng tài hoa thường ẩm ương, những cô chân dài thường yêu đồ hiệu- ghét việc nhà, còn những người đàn bà vừa ngoan hiền chịu khó, vừa xinh đẹp quyến rũ, vừa giỏi giang thông minh, vừa nọ…lại vừa kia thì… vô cùng hiếm. Mà đã hiếm, thì khó tìm, và dù đã tìm được, chắc gì có được, dù đã có được, chắc gì giữ được trong tay. Thế nên, các chàng rượu mạnh quyến rũ, mạnh mẽ ấy thường chọn yêu đương và chung sống với một “nước lọc” biết an phận, biết xây tổ và chăm con cho mình.

Khổ nỗi, vẫn biết nước thì tinh khiết, vừa mát lại vừa lành, nhưng mà uống độc vị cả đời thì cũng chán. Thế nên các chàng thi thoảng vẫn lén lút rủ nhau chuyện này chuyện nọ. Nhẹ thì la cà cà phê, chè lá, phởn phơ thì bia hơi, hăng tiết thì vào bar uống cocktail hay về quê chơi quốc lủi. Các chàng nghĩ bụng, mấy bà “nước lọc” có biết thì cũng chỉ sôi lên sùng sục như canh quá lửa rồi lại nguội dần, cùng lắm thì đá đổ bình trà, đập tan hũ mật, hấm chỗ này, hứ chỗ nọ, chứ còn lâu mới dám đụng tới rượu quý của mình. Mà các bà “nước lọc” cũng chẳng có gan “ông ăn chả, bà ăn nem” vì sợ bị tóm và cũng chẳng dám đánh ghen vì sợ “xấu chàng hổ ai”. Các chàng biết là nước đã ở trong chum thì sợ bị san ra vại, đã ở dưới suối thì sợ chảy vào mương; biết là nước có sôi tung tóe thì rồi sẽ nguội, nên họ cứ hết trà lại rượu, hết cà phê lại mật ong.

Chớ có lầm.


Hơn nửa những người bị các chàng rượu mạnh hào hoa và các nàng “cocktail” sành điệu gọi là “nước lọc”, thực ra là vodka loại nặng, hoặc chí ít cũng là quốc lủi mẻ đầu. Họ chọn phận “nước non” chỉ vì một chữ “tình”. Vì họ yêu cái người đàn ông họ lấy, vì họ biết rõ nếu họ cũng sóng sánh lóng lánh như các em “cocktail” xinh đẹp giỏi ỡm ờ, thì ai chăm cha mẹ già, ai nâng niu con dại, ai giữ bếp lửa hồng, ai lên- ai xuống cùng ai; nếu họ cũng bon chen trồi trổ vì tiền vì danh, cũng lồng lộn áo xống với tình nhân, thì ai trồng cây vun luống, ai che nắng, ai hứng mưa.

Các chàng cứ tưởng mấy bà thì chả biết gì về xã hội, chẳng rành gì những trò hoa lá của đàn ông, và chẳng bao giờ dám buông tay thả vỡ những gì mình nâng hứng. Họ không biết, đa phần những người đã có bản lĩnh sống ngoài vòng bon chen thì đều là những người bon chen rất giỏi. Những người đã hết mình gìn giữ hạnh phúc, thì sẽ không bao giờ tiếc nuối khi phải buông tay. Những người đàn bà không màu mè, xanh đỏ, lại thường đằm thắm ấm áp. Họ chọn sống cuộc đời “nước lọc” vì họ biết rõ họ muốn gì và được gì từ đó, chứ không phải vì họ đần đụt hay kém cỏi mà không sống được đời”cocktail”.

Họ quên mất rằng, mỗi lần sôi sùng sục, bắn tung tóe, là một lần nước bị làm đục, bẩn hay biến chất. Nước không còn tinh khiết nữa, mà có vị ngang ngang. Nước không còn mát lành nữa, mà có mùi thạch tín.

Thế nên, muốn “nước lọc” luôn mát lành, thì rượu mạnh ơi, xin đừng sóng sánh!

Theo Phạm Việt Hà

Lửa Ấm

50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam

"Hành trình tìm kiếm đặc sản Việt Nam lần thứ nhất năm 2012" do Trung tâm Sách kỷ lục thực hiện, đã lập danh sách 50 món đặc sản nổi tiếng thuộc nhiều vùng miền trong cả nước.

1. Phở Hà Nội:

Phở là một trong những niềm tự hào của người Hà Nội. Phở hấp dẫn người ăn vì nước dùng (nước lèo) có hương vị ngọt thanh mát và bổ dưỡng, bánh phở mềm, dai đi cùng với thịt bò hay gà cắt lát mỏng. Phở ăn kèm với các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt...

Phở ngon ngọt không chỉ khi thưởng thức mà còn hấp dẫn bởi giãi bày trên những trang viết của nhiều nhà văn nổi tiếng như Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… Phở có thể dùng làm bữa điểm tâm, ăn trưa, chiều hoặc tối.

2. Chả cá Lã Vọng (Hà Nội):

Chả cá Lã Vọng được làm từ cá lăng, cá nheo, cá quả. Thịt cá phi lê ướp với bột nghệ, bột ngọt, gừng sợi, nước mắm, mắm tôm, hành tím băm, tỏi băm, mẻ, ớt băm, nước củ riềng... sau đó kẹp vào cặp tre rồi nướng.

Chả cá Lã Vọng. Ảnh: VK.
Tiếp theo phi hành tím cho thơm, bỏ thêm ít hành lá cắt khúc lớn, rau thì là cắt khúc và nước ướp cá vào chảo dầu, xào lên. Cuối cùng cho thịt cá đã nướng vào xào, đảo nhẹ tay để thịt cá không bị nát. Nêm nếm cho vừa ăn. Chả cá ăn kèm với bún, bánh tráng nướng, mắm tôm, cơm dừa xắt mỏng, đậu phộng chiên và dưa chua.

Ngày đông giá rét, ngồi bên chiếc lò nướng chả ấm áp, thưởng thức món chả cá nóng hổi cùng bánh đa nướng, bún, các loại rau thơm… lúc này bạn có thể thưởng thức món ăn này bằng cả vị giác và khứu giác của mình.

3. Bún chả (Hà Nội):


Bún chả là một món ăn không đòi hỏi sự cầu kỳ gồm: chả viên và chả miếng.

Chả làm từ thịt ba chỉ (ba rọi) và loại thịt nạc vai mềm ướp cùng với nước mắm, tiêu, hành khô. Nước chấm pha chế đơn giản với yêu cầu phải đạt được sự kết hợp hài hòa giữa vị mặn của nước mắm, vị ngọt của đường, chua của giấm, và cay của ớt, tỏi, thêm đu đủ, cà rốt giòn, chua. Rau ăn bún chả là các loại rau sống mang đậm hương vị của xứ Bắc như: xà lách, kinh giới, tía tô, húng lủi, húng láng, húng quế.

4. Bún thang (Hà Nội):

Bún thang là món cầu kỳ, công phu nên thường chỉ có mặt trong những tiệc thịnh soạn của người Hà Nội.

Bún thang. Ảnh: VK.
Nước dùng bún thang được nấu từ nước luộc gà, xương lợn, khi đun vớt bọt liên tục để nước được trong, rồi thả vào một xâu tôm he khô. Trứng tráng thật mỏng thái sợi, giò lụa trắng mềm cũng thái chỉ. Thịt gà nạc luộc chín được xé nhỏ làm một hỗn hợp nhiều màu sắc. Sau đó cho thêm ruốc (chà bông), củ cải khô, nấm hương, rau mùi, hành hoa, rau răm thái lẫn với hành lá, ít mắm tôm để ngoài và chút hương cà cuống.

5. Bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội):

Bánh cuốn Thanh Trì đặc biệt nhất ở chỗ tráng mỏng, hành mỡ thoa vào mướt mặt mà nếm vào có vị thanh nhẹ, mát rượi. Bánh khi sắp trong thúng, được xếp thành lớp kiểu như bậc thang, trên những lá chuối xanh trong màu ngọc thạch, sắc trắng của bánh nổi bật.

Bánh cuốn khi ăn có mùi thơm dìu dịu, êm êm của bột, của hành khô. Gắp miếng bánh, chấm đẫm vào chén nước chấm rồi đưa lên miệng, người ăn sẽ cảm nhận được sự hài hòa giữa mùi bánh thơm dịu, mềm dai hoà quyện với nước chấm có vị mằn mặn, chua chua, cay cay.

6. Lợn “cắp nách” 6 món (Lai Châu):

Lợn “cắp nách” (một số nơi gọi là lợn lửng) là loại lợn đặc sản chỉ có ở vùng cao và nhiều nhất ở Lai Châu.

Lợn cắp nách (Lai Châu). Ảnh: VK.
Giống lợn này có sức chịu đựng rất giỏi, chúng tự tìm củ, rễ cây và lá rừng để ăn. Lợn con mới đẻ đã có thể chạy nhảy, chỉ theo bố mẹ vài ngày rồi tách ra. Do ăn cây cỏ tự nhiên và chậm lớn, mỗi con chừng 10 đến 15 kg nhưng thịt lợn cắp nách rất thơm ngon, trở thành món đặc sản hấp dẫn thực khách.

7. Thịt trâu khô (Điện Biên):


Thịt trâu khô là món ăn được hình thành khi đồng bào các dân tộc mổ trâu, nếu không ăn hết thì những tảng thịt trâu được tẩm gia vị rồi gác lên bếp hong khô.

Thịt trâu khô Điện Biên. Ảnh: VK.
Cách làm thịt trâu, bò khô cũng khá đơn giản. Những miếng thịt lớn được tẩm ướp muối, trộn với các gia vị điển hình đó là gừng, mắc khén, gấc, ớt… Sau khi tẩm ướp xong những miếng thịt được hong khô cho se lại, rồi được đồ cách thủy, và tiếp tục hong trên bếp cho đến khi khô hẳn.

8. Phở chua (Lạng Sơn):

Phở chua được xem là “khúc biến tấu” của người Lạng Sơn. Phở chua gồm hai phần: nguyên liệu khô và phần nước.

Dĩa phở chua sẽ được xếp lần lượt: bánh phở, xá xíu, dưa chuột rồi rưới nước đủ vừa phải. Tiếp đó sẽ là lạc rang, khoai lang chiên, hành khô để lên trên. Khi ăn, thực khách có thể trộn đều hoặc không. Món ăn này là món theo kiểu “hàn thực” nên rất thích hợp ăn vào mùa nóng. Tuy nhiên, nếu ăn vào mùa lạnh, thì bánh phở và nước đủ sẽ được hâm nóng trước khi đem ra cho khách.

9. Chả mực Hạ Long (Quảng Ninh):

Chả mực của vùng biển Quảng Ninh là món chả được làm từ con cá mực (chỉ mực mai).

Chả mực Hạ Long. Ảnh: VK.
Chất lượng chả mực Hạ Long (giòn và dai) còn do kỹ thuật chế biến đặc thù của người dân thành phố Hạ Long: mực giã nhuyễn bằng tay, nêm chút hạt tiêu vỡ và mắm, nắn thành những miếng nhỏ dẹt, tròn, đem chiên, khi chín phồng lên như cái bánh rán, màu hơi vàng...

10. Gà Tiên Yên (Quảng Ninh):

Gà Tiên Yên là giống gà đồi, suốt ngày leo dốc, tìm sâu nên da vàng, thịt thơm, nước ngọt. Thịt gà Tiên Yên có thể chế biến đủ các món, vẫn không làm mất vị đặc trưng. Nhưng món ngon nhất vẫn là chế biến theo cách đơn giản nhất: luộc. Gà Tiên Yên sau khi luộc, da vàng ươm như thoa nghệ và bóng nhẫy như vừa nhúng mỡ. Thoạt trông, bạn có thể ngấy vì chất béo, nhưng khi cắn một miếng, bạn mới thấy nó thật giòn và ngọt.

Thịt gà Tiên Yên ăn kèm là bánh gật gù. Bánh được tráng bằng bột gạo, cuộc thành từng cuộn cỡ ngón chân cái, bánh trong, mềm, dẻo mà không dính.

11. Bún cá rô đồng:

Cá rô được luộc lên, gỡ từng miếng thịt, ướp gia vị cho thật thấm rồi rán vàng lên, hoặc viên lại từng viên cho vào tô bún. Sự hiện diện của miếng cá rô dai mịn, thịt cá rô xào nghệ ngọt tươi, độ béo giòn của thịt cá rô chiên tạo thành hương vị có sức quyến rũ lạ thường.

Bún cá rô đồng. Ảnh: VK.
Nước dùng của bát bún cá rô đồng thuần túy làm từ cá rô, không thêm xương lợn. Cho vào cứ một phần cá tươi thì hai phần rưỡi nước nấu đến khi nào thịt và xương cá rã ra thì lọc bỏ xác cá, lấy nước cốt rồi cho gia vị vào.

Trên bát bún cá, ngoài hành hoa, rau thì là tươi non, cũng có thể ăn kèm với rau cải xanh, cải cúc hay rau cần điểm xuyết thêm lớp trứng cá mịn màng, vàng ruộm tạo cho bát bún thêm phần hấp dẫn.

12. Bánh đa cua (Hải Phòng):

Bánh đa cua một món ăn mộc mạc mà thân thiết của người dân đất cảng Hải Phòng.

Một bát bánh đa cua ngon, hấp dẫn phải hội tụ đủ 5 màu: màu nâu hồng của gạch cua, màu bánh đa nâu sậm, màu xanh mướt của rau nhút, rau muống, hành lá, màu đỏ tươi nơi trái ớt và vàng rộm của hành khô

13. Bánh cuốn thịt nướng Phủ Lý (Hà Nam):


Bánh cuốn Phủ Lý được tráng hơi dày, ít nhân và không thoa mỡ.

Thịt ăn kèm với bánh cuốn được chế biến từ thịt lợn thái mỏng, ướp gia vị, xiên vào que nướng trên than hoa. Nước chấm được pha chế khéo léo rồi đun nóng. Bánh còn được ăn cùng với dưa góp đu đủ, rau thơm, rau sống các loại.

14. Bún đũa (Nam Định):

Mặc dù món bún ở đâu cũng có nhưng món bún đũa ở Nam Định có nét khác biệt. Sợi bún to cỡ đầu đũa, mềm nhưng săn chắc chứ không nhũn.

Bún đũa Nam Định kết hợp với riêu cua có vị ngọt đậm, nước dùng hơi chua, thơm dậy mùi của cua đồng. Món bún đũa riêu cua luôn được ăn kèm với rau, mùa nào rau đấy… tăng thêm hương vị cho bát bún.

15. Dê núi Trường Yên 6 món (Ninh Bình):

Dê núi Ninh Bình sống hoang dã được ăn nhiều loại cây cỏ tự nhiên, chính vì vậy nên thịt chắc, thơm mùi thảo dược và đậm đà hơn những loại dê nuôi khác.

Dê núi. Ảnh: VK.
Từ thực phẩm dê được chế biến thành rất nhiều món độc đáo: tiết canh dê, áp chảo, hấp sả gừng, xào sả ớt, xào lăn, tái dê, dê nướng, lẩu dê, cà ri dê, dê hầm thuốc bắc, cháo dê… Bên cạnh đó, rất nhiều bộ phận của dê làm thành món đặc biệt: đùi dê, sườn dê, chân dê, nậm dê, ngọc dương dê… ăn với lá đinh lăng, lá mơ, lá sung, quả sung, ngò gai, húng, quế…

16. Cơm cháy (Ninh Bình):

Món cơm cháy hấp dẫn thực khách gồm:cơm cháy, thịt bò hay tim, cật lợn xào với rau như hành tây, nấm rơm, cà rốt, cà chua và các loại nước chấm ăn kèm. Để cơm được ngon thì người ta dùng gạo nếp hương, hạt gạo tròn và trong. Khi nấu tốt nhất là cho vào nồi gang và dùng than củi. Cơm cháy lấy ra xong phải phơi nắng tự nhiên hai, ba nắng thì mới đạt lúc ăn mới chiên giòn.

Miếng cơm cháy được chấm với nước sốt sóng sánh vị của nước mắm mỡ hành, ruốc (chà bông) hoặc tương nếp.

17. Súp lươn:

Thịt lươn sau khi làm sạch sẽ được xào chung với nghệ, ớt, tiêu xay. Nước dùng được ninh từ xương lợn, bò, xương cá và xương lươn. Đặc biệt không thể thiếu hành tăm - thứ hành chỉ có ở Nghệ An, Hà Tĩnh.

Súp lươn thường ăn kèm với bánh mì hoặc bánh mướt (giống bánh cuốn nhưng người ta không cuốn lại và không có nhân). Bánh mướt được tráng mỏng, không nhân. Sau đó cắt thành những miếng nhỏ vừa ăn.

18. Chắt chắt (Quảng Bình):

Chắt chắt giống như con hến nhưng nhỏ hơn. Để lấy thịt chăt chắt, trước tiên xát rửa thật sạch, bắc nước thật sôi rồi đổ chắt chắt vào, dùng đũa đánh đều để ruột tách ra khỏi vỏ, rồi đem đãi (như đãi gạo vậy) lấy ruột. Riêng nước luộc để thật lắng, lọc đem nấu canh hoặc nấu cháo.

Món chắt chắt xúc bánh tráng. Ảnh: VK.
Thường thì chắt chắt nấu canh với mít non, rau lốt. Ngoài nấu canh, nấu cháo có thể chế biến chắt chắt thành món xào cũng rất tuyệt.

19. Bún bò Huế (Thừa Thiên - Huế):

Với nguyên liệu là những sợi bún trắng nõn mềm mại cùng nước dùng vừa đậm đà vừa ngọt ngào, tô bún bò Huế như mang cả vị tinh túy của đất cố đô. Lát thịt bò thái mỏng, lớp váng nhìn rõ cả sả băm, ớt sa tế, hạt điều phủ lên bề mặt vàng óng, màu xanh của hành lá, màu trắng của hành tây… với màu sắc bắt mắt.

Bún bò Huế ăn kèm với các loại rau như: rau má, rau muống, rau nhút, cần nước, rau đắng, cải xanh, giá sống…

20. Bánh bèo (Thừa Thiên - Huế):

Bột đổ làm bánh bèo sao cho khéo để cho bánh thật mỏng và hình dáng giống như một cánh bèo rồi xếp vào mê (20 chén mỗi mê) đem hấp hơi (hấp cách thủy). Đến lúc bánh chín, cho thêm gia vị lên trên.

Bánh bèo Huế. Ảnh: VK.
Bánh bèo ngon là nhờ ở nhân tôm chấy và nhất là nước chấm đặc biệt. Nước mắm hòa với mỡ, đường, tỏi, ớt và nấu từ tôm tươi nên vừa có vị ngọt và béo. Khi ăn bánh bèo không sử dụng đũa mà bằng que tre vót mỏng như một mái chèo nhỏ.

21. Cơm hến (Thừa Thiên - Huế):

Cơm hến là sự pha trộn của rất nhiều món ăn dân dã, như hoa chuối thái rối, khế, rau răm, giá, môn thái lát, đậu phộng rang chiên qua dầu, da heo đã qua chế biến thổi phồng lên như tóp mỡ. Tất cả trộn lẫn với gia vị tạo thành một tô cơm hến đặc trưng của xứ Huế, vừa cay, vừa bùi, vừa ngọt…

22. Bánh bột lọc nhân tôm (Thừa Thiên Huế):


Bánh bột lọc làm từ bột năng, có nhân tôm thịt, dùng với nước chấm chua ngọt, trước đây được trang CNNGo giới thiệu là một trong 30 món bánh hấp ngon trên thế giới.

Đây là món bánh đặc sản của miền Trung, phổ biến ở Huế và Đà Nẵng. Bánh bột lọc có hai loại: bánh gói lá chuối (hấp) và bánh trần (luộc). Ở các hàng quán Việt Nam người ta thường bán bánh này chung với một số loại khác như bánh bèo, bánh nậm, bánh canh... giá khoảng 10.000 đến 15.000 đồng một dĩa.

Cách làm bánh bột lọc trần (không gói bằng lá chuối) khá đơn giản: chuẩn bị khoảng 200 gr tôm tươi và 200 gr thịt ba chỉ đem rửa sạch, cắt miếng, ướp với nước mắm, muối tiêu, hành, đường, ớt. Sau đó cho tất cả vào chảo, phi hành tỏi thơm rồi rim chín.

Nhào bột: Chuẩn bị 400 gr bột năng chia làm 2 phần: 100 gr cho vào chén, 300 gr cho vào tô lớn. Đầu tiên lấy 250 ml nước đun sôi đổ từ từ vào chén bột cho đến khi bột chín chuyển sang màu trong. Chén bột chín để nguội rồi đổ vào tô bột lớn, cứ thế nhào đều. Lúc này hỗn hợp bột đã mềm mà không dính tay, ngắt tảng bột thành từng viên nhỏ đều bằng ngón tay, vo tròn và đựng vào bọc nilon để không bị khô.

Phi hành lá: Cho dầu ăn hoặc nước mỡ lợn vào chảo đun nóng rồi cho lành lá vào đảo sơ rồi nhắc xuống.

Dồn nhân bánh: Lấy từng viên bột đã vo tròn đặt xuống dĩa dẹt, dùng ngón tay cái cán đều để miếng bột dẹt ra. Sau đó cho vào giữa tấm bột một miếng tôm, một miếng thịt rim. Cuối cùng dùng tay gấp hai mí bánh lại và ấn vào nhau cho khít.

Luộc bánh: Cho nước vào nồi đun sôi rồi thả bánh vào luộc khoảng 10 phút, đến khi bánh có màu trong là được. Sau đó vớt bánh ra ngâm vào một thau nước lạnh rồi đổ ra rổ, cho mỡ hành vào phết đều để bánh khỏi dính vào nhau.

Pha nước chấm chua ngọt: Giã nhỏ một ít tỏi, ớt. Lấy một chiếc chén nhỏ cho vào 2 muỗng cà phê đường, 2 muỗng nước mắm, 10 muỗng nước (theo tỷ lệ 1:1:5). Sau đó cho tỏi ót đã giã nhỏ vào chén, vắt thêm một muỗng nước chanh

23. Bánh khoái Huế:

Bánh là sự hòa trộn màu sắc. Đó là màu vàng ươm của lớp vỏ bánh có pha chút bột nghệ, màu trắng nõn nà của những cọng giá căng tròn, màu đỏ au của tôm, màu nâu xám của nấm tươi. Món ăn còn pha giữa màu ngà của mấy lát thịt lợn ba chỉ hoặc thịt băm, màu vàng tươi của trứng gà, xanh của những lá hành hương. Tất cả gói gọn trong một chiếc bánh hình tròn vừa bằng cái đĩa nhỏ, khi ăn thì kèm thêm rau sống.

Bánh khoái. Ảnh: VK.
Nước lèo chấm bánh khoái được làm từ nguyên liệu chính là tương đậu nành. Mùi vị của bát nước lèo trong món bánh khoái có người cho là chiếm hết 50% cái ngon của món ăn. Đó là sự kết hợp vị mặn của tương, vị béo của gan neo băm nhuyễn, vị ngọt của đường, vị bùi của đậu phụng rang giã nhỏ...

24. Bánh tráng cuốn thịt lợn 2 đầu da (Đà Nẵng):

Bí quyết chính của món là nằm ở nguyên liệu thịt lợn là loại thịt hai đầu da được chọn từ phần ngon nhất của con lợn. Thịt lợn được hấp để giữ vị thơm ngon, ngọt sắc đậm của thịt, khi miếng thịt cắt ra có mỡ trong là đạt tiêu chuẩn.

Bánh tráng cuốn thịt lợn 2 đầu da. Ảnh: VK.
Ăn kèm với món này không thể thiếu rau sống. Từng cuốn bánh, thực khách có thể cảm nhận được sự tươi mát của xà lách, vị thơm nồng của rau quế, rau thơm, diếp cá, vị chát nhẹ của chuối trái xắt lát mỏng cùng với vị là lạ của tía tô… Mắm nêm là thức chấm duy nhất của món bánh tráng cuốn thịt heo, nếu thay bằng thức chấm khác sẽ làm mất đi hương vị và nét đặc trưng của món ăn này.

25. Mì Quảng (Quảng Nam):

Mì Quảng không phải là thứ mì nước, hay mì xào mà là thứ mì trộn. Nhân mì thường được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau: tôm, gà, thịt heo, cá lóc, cua… Có cả mì chay cho người ăn chay. Tùy theo người thích ăn nhân nào sẽ có một bát mì như ý.

Khi ăn mì không thể thiếu bánh tráng nướng, trái ớt xanh, lát chanh, đậu phộng rang và dĩa rau sống (rau muống, búp chuối, thân cây chuối non xắt mỏng, rau húng, diếp cá, xà lách…) đi kèm.

26. Bê thui Cầu Mống:


Người thui bê phải điêu luyện biết điều chỉnh lửa to nhỏ đúng lúc. Ăn thịt bê thui Cầu Mống cùng rau sống đủ loại của vùng quê bên sông nước (tía tô, ngò thơm, xà lách, khế chua, chuối chát xát mỏng, rau húng, rau quế, giá...) cuốn với bánh tráng mỏng chấm mắm cá cơm.

Bê thui Cầu Mống. Ảnh: VK.
Khi đến quán bán thịt bê thui, khách có thể gọi thịt bắp, thịt ba chỉ, thịt mông, da chế biến thành các món như xáo, gân, xương, bún tái...

27. Cá bống sông Trà (Quảng Ngãi):


Cá bống cát ở sông Trà có nhiều loại, cá bống cát nhỏ con, màu vàng nhạt, cỡ bằng ngón tay út cho đến loại cá bống vồ, to con, và loại cá bống mú có thân hình tím sẫm như loại cá mú biển (còn gọi là cá bống than) thịt nhão. Cá bống làm sạch, ướp nước mắm ngon, tiêu, nước màu… để độ mươi phút. Sau đó đổ thêm nước mắm ngon vào trách (nồi nấu) sao cho vừa xăm xắp và đun lửa riu riu cho đến lúc chín.

28. Món don (Quảng Ngãi):

Don là một trong những món ăn rất độc đáo, mát, bổ, rẻ tiền và hấp dẫn. Don thuộc họ nhà hến, thân bọc bằng hai nửa vỏ úp nhau nhưng don nhỏ hơn hến.

Món ăn chế biến từ don. Ảnh: VK.
Những món ăn ngon được chế biến từ don như canh don, cháo don, gỏi don. Cách ăn ngon và tốn kém hơn là làm món “ruột don xào” với miến, bún, bánh tráng… Đây cũng là món ăn đãi khách, bạn bè rất đặc biệt, đậm đà hương vị quê hương.

29. Bún chả cá Quy Nhơn:

Chả cá gồm chả hấp và chả chiên (chả chiên có 2 loại: bánh lớn và viên vo nhỏ cho vào nồi nước lèo) hấp dẫn thực khách bởi tính "hiền", ăn dễ tiêu, ngon miệng của nó. Chả cá ngon là phải được làm từ cá mối, cá thuẫn tươi, cá chai, cá rựa…lóc lấy thịt đem xay nhuyễn và quết cho thật kỹ để chả dai, mịn.

Chả cá ngon còn là chả không tanh mùi cá, thơm gia vị và ngọt vị ngọt của cá… Nước dùng của bát bún là nước nấu từ phần xương và đầu cá sau khi đã lạng thịt xay chả. Nước cá này ngọt thơm đúng vị cá và ăn nhẹ bụng. Nồi nước chế thêm lớp dầu thắng với hạt điều để có màu đẹp.

30. Yến sào (Khánh Hòa):

Yến sào có tác dụng bổ dưỡng cao, làm cường tráng, dai sức, kích thích tiêu hóa, giúp an thần, gây ngủ, cầm máu, chữa được bệnh ho, thổ huyết, kiết lỵ. Yến sào (tổ chim yến) có hình nôi tròn hoặc bầu dục, cong bán nguyệt, màu trắng xám, có khi màu hồng hoặc đỏ…

Yến sào. Ảnh: VK.
Cách chế biến tổ yến: Ngâm tổ trong nước lã 3-4 giờ hoặc nước nóng 30 phút đến một tiếng. Khi thấy các sợi dãi đã tã ra thì vớt lên (có thể xoa ít dầu lạc), nhặt hết lông chim, rác rưởi, rêu núi và các chất bẩn khác còn bám vào. Yến sào có thể chế biến thành nhiều món ngon như: chè yến, súp yến…

31. Bánh căn (Ninh Thuận):

Nguyên liệu để làm bánh căn là gạo tẻ ngâm khoảng từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ rồi đem xay thành bột loãng. Đổ bánh căn dùng một lò đất nung tròn to, bên trên là khuôn bánh được khoét lỗ tròn đều, khuôn đổ bột khoảng 8-16 lỗ; phần thân lò để chứa than hồng. Thoa vào mỗi khuôn một lớp mỡ rồi đậy khuôn, chờ thật nóng mới đổ bột vào. Mẻ đầu được dùng để thử lò và tráng khuôn.

Người ta dùng chiếc cạy bằng kim loại để đưa bánh ra khỏi khuôn. Khi mặt trên của bánh căn xốp và khô lại, viền bánh co lại, tróc ra thì bánh đã chín và có thể ăn được.

Bánh căn dùng nóng với nước mắm pha chua ngọt, ăn kèm với rau sống, bánh mì chiên giòn.

32. Lẩu thả (Bình Thuận):


Nước dùng của lẩu thả được chế biến đơn giản, không cầu kỳ như nguyên liệu dùng để ăn lẩu. Chỉ cần cho một ít cà chua và thịt gà cắt hạt lựu khử với dầu ăn, nêm nếm gia vị và sau đó cho nước hầm xương vào đun sôi.

Lẩu thả đặc sản ở Bình Thuận. Ảnh: VK.
Thưởng thức lẩu thả có 2 cách: Nếu thích sự đơn giản, bạn có thể chọn cách thưởng thức lẩu thả khô, chỉ cần bỏ một ít rau, bún; gắp một ít cá, thịt, trứng, bánh đa trộn với nước sốt; lẩu thả nước tương tự như cách ăn khô, chỉ khác ở chỗ là cá mai được thả vào trụng qua với nước dùng. Vì vậy cái tên “ lẩu thả” cũng xuất phát từ công đoạn này.

33. Gà nướng KonPlông (Kon Tum):


Đây là loại gà được nuôi ở trong bản. Để làm món nướng, gà được làm sạch sau đó mổ moi (ở phao câu) rồi dùng cây xiên từ hậu môn lên đầu, cho sả (đập dập), lá chanh vào trong bụng, khâu lại. Sau đó quết hành phi, xì dầu bên ngoài con gà rồi nướng trên bếp than. Vừa nướng vừa tiếp tục quết hành phi, xì dầu lên.

Khi ăn, xé gà ra từng miếng và chấm với muối ớt. Món gà nướng đẫm vị hơn khi được nhấm nháp bên ché rượu cần nồng đượm.

34. Phở khô (Gia Lai):

Sợi phở khô được làm từ bột gạo, không mềm và dẹp như sợi phở mà mảnh và dai như sợi hủ tiếu. Sợi phở khô trụng sơ rồi trộn với thịt bằm, bên trên rắc lớp hành phi vàng ươm, thơm phức. Nước lèo có thịt bò tái, gân, bắp, hoặc bò viên, cũng có thể là thịt gà, rắc thêm chút hành ngò xắt nhỏ, tiêu đen.

Phở khô. Ảnh: VK.
Rau ăn kèm với phở khô chỉ cần xà lách, húng quế và giá trụng, trộn thêm chút tương nâu, món phở khiến du khách thưởng thức được hương vị món ăn mới lạ.

35. Canh atiso hầm giò lợn:

Món ăn không cầu kỳ, nhưng người nấu phải kiên nhẫn. Giò lợn sau khi ướp ngấm gia vị, cho vào nồi nước đã đun sôi, giữ lửa nhỏ và thường xuyên vớt bọt để nồi canh được trong, đồng thời giò lợn cũng được chín đều hơn.

Hoa atiso hầm giò lợn. Ảnh: VK.
Khi đun nước giò lợn, người nấu khéo léo cho thêm củ hành tím để tạo mùi thơm, giúp cho giò thấm vị. Sau khi giò đã chín, cho hoa atiso vào, đun tiếp 10 phút cho hoa chín vừa, là món canh atiso hầm giò lợn đã hoàn thành. Đây là món ăn thơm mát là sự hòa quyện vị ngòn ngọt của cánh hoa atiso, thịt giò lợn mềm thấm vị, thêm chút nước canh đậm đà.

36. Bánh canh Trảng Bàng (Tây Ninh):


Để có món bánh canh Trảng Bàng thơm ngon, yêu cầu trước tiên là phải có những sợi bánh canh thật ngon. Bột bánh được làm từ loại gạo ngon, ngâm kỹ qua một đêm để gạo đủ độ mềm, sau đó đem xay nhuyễn, lọc, hấp chín để tạo thành những sợi bánh canh mềm, dẻo, trắng muốt.

Nước dùng bánh canh được hầm từ xương lợn, ngon nhất là loại xương ống. Khi đun, hớt bọt và canh lửa thật khéo để nước trong và thơm cùng với gia vị vừa ăn.

Món ăn này là sự hòa quyện đầy đủ vị béo ngọt của thịt, bánh canh thơm, dai cộng thêm với vị chua chua, mằn mặn, cay cay của nước mắm...

37. Bánh bèo bì (Bình Dương):

Bánh bèo bì được làm từ gạo đỏ đặc sản, bánh bèo bì mang hương đậm đà đặc biệt. Bột gạo được đổ vào những cái chén nhỏ, đem hấp cho chín, trên mặt được phết lớp đậu xanh làm nhân. Bì được làm từ thịt lợn nạc khìa nước dừa, thái đều thành sợi nhỏ cỡ cọng bún, trộn với thính vào cho thơm và thấm đều.

Bánh bèo chả bì. Ảnh: VK.
Khi ăn, sắp bánh bèo vào đĩa kèm thêm dưa chua, rau thơm, giá, rắc đậu phộng giã nhuyễn, không thể thiếu chén nước mắm pha chua ngọt cùng với tỏi, ớt, chanh.

38. Bánh khọt (Bà Rịa - Vũng Tàu):

Nguyên liệu làm bánh khọt là bột gạo, nhưng cách pha chế phải khéo léo. Bột nhiều hơn nước bánh sẽ khô và không có độ dai, còn nước nhiều hơn bột bánh lại bị nhão, không giòn. Trên nền màu trắng của bánh nổi bật màu đỏ của mấy con tôm lột sạch vỏ, màu xanh của hành lá xắt nhuyễn, đôi khi lại có bột tôm xay rải lên mặt bánh.

Nước chấm dùng cho bánh khọt là nước mắm pha chua ngọt, vừa miệng thực khách. Bánh ăn kèm với đu đủ, cà rốt xắt sợi ngâm giấm đường, cùng các loại rau xà lách, húng quế, ngò gai, tía tô... làm cho món ăn thêm đậm đà hương vị.

39. Gỏi cuốn (Sài Gòn):


Món gỏi cuốn dù xuất hiện ở nơi cao sang hay bình dị đều không mất đi nét đặc trưng vốn có: cuốn bánh tráng mỏng, bên trong là rau thơm, bún, tôm, thịt. Món gỏi này đòi hỏi khéo tay khi cuốn, cuốn chắc tay, gọn ghẽ; có vài cọng hẹ sống xanh ló ra ngoài...

Gỏi cuốn ngon, trước hết phải có nguyên liệu tươi, nhưng phần nước chấm lại là yếu tố quyết định. Khó có thể thống kê được ở Việt Nam có bao nhiêu món cuốn và mỗi món dùng loại nước chấm nào. Nhưng món gỏi cuốn tôm thịt có xuất xứ từ miền Nam được vinh dự có mặt trong bảng xếp hạng thường được chấm với mắm nêm.

40. Chả giò (Sài Gòn):


Tùy theo từng miền, chả giò có tên gọi khác nhau. Nem rán là cách gọi ở miền Bắc. Ở miền Trung, món ăn này thường gọi là chả cuốn, còn ở miền Nam thì có tên chả giò. Nem miền Bắc thường có thêm trứng, nem Sài Gòn thường có thêm củ sắn cho mát ruột, không thì thay bằng khoai môn hoặc khoai lang. Riêng phần nhân chả giò thì cũng tùy nơi, tùy người mà được thay đổi một cách tinh tế, như nhân tôm, nhân hải sản…

Chả giò. Ảnh: VK.
Chả giò Sài Gòn có nhiều loại: chả giò trái cây, chả giò chay, chả giò hải sản, chả giò gói bằng hoành thánh, chả giò rế, chả ram, nhưng dù sao cũng phải tùy theo nguyên liệu chính mà chọn các phụ gia và rau làm cho món ăn đậm đà và hợp khẩu vị.

41. Cơm tấm (Sài Gòn):


Cơm tấm thường được ăn với 4 món chính: sườn lợn nướng, bì lợn, chả, trứng ốp la. Trên nền cơm tấm trắng đang bốc khói là màu vàng của miếng sườn nướng, màu trắng đục của những sợi bì dai mềm, miếng chả được đặt vuông vắn bên cạnh hình tròn của trứng ốp la vừa chín tới.

Món này ăn kèm với cà chua, dưa leo xắt lát mỏng, cà rốt hoặc củ cải trắng ngâm giấm, đồng thời không thể thiếu được chén nước mắm được pha theo bí quyết riêng của từng quán, làm cho món ăn thêm thơm ngon, hấp dẫn.

42. Hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang):

Hủ tiếu Mỹ Tho khác hủ tiếu Tàu, hủ tiếu Nam Vang, phở Bắc, bún bò Huế... ở chỗ không ăn với giấm, rau ghém, mà dùng giá, hẹ, chanh, ớt, nước tương.

Hủ tiếu Mỹ Tho. Ảnh: VK.
Hủ tiếu ngon nhất phải là loại làm bằng gạo Gò Cát (đặc sản như tàu hương, nàng thơm). Về cơ bản, chất ngọt của nước lèo từ xương ống hầm kỹ, thịt và khô mực nướng, cùng một số nguyên liệu, gia vị đặc trưng. Hủ tiếu Mỹ Tho không có tôm và trứng cút như hủ tiếu Nam Vang mà chỉ là hủ tiếu lòng, hủ tiếu sườn hoặc thịt nạc sắp lên trên.

43. Bún cá Long Xuyên (An Giang):


Tô bún dọn ra trông rất bắt mắt với màu vàng ươm của miếng cá lóc đồng và màu xanh của rau muống, rau nhút. Nồi nước lèo được nấu ngọt bằng chính cá lóc. Khi cá chín vớt ra, đầu cá để riêng còn thịt cá được tách ra từng miếng, lọc hết xương, xào sơ qua với nghệ để khử mùi tanh. Bún được bày trí ra tô, rau nhút bẻ cọng, rau muống bào thêm ít bắp chuối thái trông rất bắt mắt.

Bên cạnh tô bún là một đầu cá lóc nóng hổi và chén nước mắm me giúp cho món bún thêm phần hấp dẫn.

44. Vịt nấu chao (Cần Thơ):

Vịt nấu chao là món ăn phổ biến với người dân Nam bộ, nhưng món này ngon nhất là ở Cần Thơ.

Vịt nấu chao. Ảnh: VK.
Để có một nồi lẩu vịt nấu chao ngon, người ta chọn vịt hoặc vịt xiêm (ngan) khoảng 1,5 kg. Vịt sau khi thịt và làm sạch, dùng rượu gừng bôi đều trên da, sau đó chặt miếng vừa ăn và ướp với gia vị gồm: tỏi, gừng, tiêu, ớt, nước cốt dừa và không thể thiếu là chao. Thịt vịt ướp khoảng 30 phút rồi mang đi chiên vàng. Khoai môn (sọ) xắt miếng vừa ăn cũng chiên sơ. Bỏ vịt vào nồi hầm với nước dừa tươi, đến khi thịt mềm thì bỏ khoai môn, hành tây, nấm rơm vào.

45. Cá thát lát 7 món Hậu Giang:

Hậu Giang là một vùng nguyên liệu cá thát lát dồi dào. Thát lát ở đây có thịt ngon hơn so với những địa phương lân cận. Chính vì thế có nhiều sản phẩm được chế biến từ loại đặc sản này và giữ được vị ngon, ngọt khác thường.

Cá thát lát là thương hiệu đặc sản Hậu Giang, khi chế biến trở thành những món ăn đặc trưng ở vùng sông nước Cửu Long này. Cá thát lát có thể làm các món: cá chiên sả ớt, lẩu cá thát lát với me chua, chả tơ hồng, chả ngũ sắc, chả dẹp, tộ Thiên Nga, lẩu chua.

46. Bánh cóng (Sóc Trăng):


Gạo làm bánh cóng là gạo tẻ ngon, ngâm qua 2 đêm rồi mới đem xay để lấy bột. Khâu pha bột là quan trọng vì nó quyết định hương vị độc đáo giữa bánh vùng này với vùng khác. Nhân bánh được tạo thành từ tép đất tươi hấp cách thủy, đậu xanh đồ chín còn nguyên hạt, thịt nạc xay mịn.

Nước mắm là nước mắm cá cơm nguyên chất, thêm chút chanh, đường, ớt, tỏi tạo thành một hỗn hợp màu hổ phách, ăn kèm với xà lách, rau thơm, rau muống bào, khế, chuối chát, dưa leo tạo thành hương vị độc đáo, khó lẫn với món ăn nào khác.

47. Bún nước lèo (Sóc Trăng):


Vị mằn mặn thơm phức của mắm bồ hóc, ngọt dai của tôm tươi, thêm vài miếng cá lóc phi lê mềm tan, mùi thơm đặc trưng của ngải bún hòa quyện trong bát nước lèo trong veo, làm nên chất quê của bún nước lèo Sóc Trăng.

Nét đặc biệt của nước lèo Sóc Trăng là không lợn cợn mà trong veo. Vì khi nấu nước lèo, người Sóc Trăng không cho trực tiếp các nguyên liệu vào nồi như thông thường mà chứa tất cả vào một chiếc túi lọc rồi nấu đến khi cái cốt tan ra. Ăn bún nước lèo không thể thiếu củ ngải bún, thơm (dứa), sả (sả nguyên cây và sả bằm) và một số loại rau ăn kèm…

48. Bánh tằm bì (Bạc Liêu):

Bánh tằm bì đặc sản ở Bạc Liêu. Ảnh: VK.
Bột để làm bánh tằm phải là bột được làm từ gạo ngon, ngâm qua đêm rồi đem xoay với nước muối pha loãng, sau đó được ngâm tiếp 2 đêm nữa. Giai đoạn quan trọng nhất là khuấy hồ bột. Bởi nếu khuấy quá cứng bánh tằm sẽ dễ gãy, nếu khuấy quá mềm thì bánh sẽ bị dính, không tách rời. Kế đến chọn loại thịt lợn mềm, đem luộc rồi mang cắt nhỏ, trộn với bì và nêm gia vị. Đặc biệt món bánh tằm bì lạ miệng là nhờ nước cốt dừa. Bánh ăn kèm với rau sống, thêm một ít đậu phộng, dưa cải chua ngọt.

49. Lẩu mắm U Minh (Cà Mau):

Để có một lẩu mắm ngon (mắm kho cho vào lẩu), mùi thơm đặc trưng, phải làm sạch cá sặc bướm, đem phơi cho ráo, rắc muối giã nhỏ, cho vào một cái khạp, bên trên dùng mo cau và sống dừa cài chặt muối một thời gian.

Lẩu mắm U Minh. Ảnh: VK.
Lẩu mắm ăn kèm với rất nhiều rau, như bông súng, đọt nhãn lồng, cải xanh, rau đắng, càng cua, bông so đũa, bắp chuối, ớt hiểm, tỏi, đọt choại (loại rau chỉ có ở rừng tràm U Minh)... Rồi đậu bắp, nấm rơm bỏ vào khi lẩu vừa sôi, với các loài cá đồng tươi vừa chín như lươn, cá rô, cá sặc rằn, cá dầy, cá lóc... cùng "lên lửa" với nước cốt mắm sặc thơm lừng.

50. Chả trứng mực (Cà Mau):

Việc chế biến món ăn này cũng là một kỳ công. Mực được bắt trong đêm được xẻ ra lấy trứng. Khoảng 10-12 kg mực tươi thì có một kg trứng. Trứng mực quết chung với trứng vịt, thịt và gan lợn mà ngư dân mang theo ngay trên thuyền. Sau đó, hỗn hợp này được bóc từng cục vo tròn, ép dẹt và phơi khô trước khi đem về đất liền.

Trứng mực khi chiên lên có màu vàng rộm, béo ngậy và thơm lừng, là một món quà quý mà người Cà Mau dành đãi khách quý và gửi tặng bà con nơi phương xa.

Bài thuốc quý khiến bệnh tiểu đường biến mất không còn tái phát

Uống đậu đen xanh lòng là một phương pháp đông y cổ truyền xuất xứ từ Trung Hoa. Bài thuốc này nằm trong tập sách “Lãnh trai y thoại” của Lục Đình Phổ đời nhà Thanh.

Đậu đen xanh lòng được coi là loại thuốc quý có tầm cỡ thần dược. Đây là một phương pháp thanh lọc cơ tạng tuy thô sơ, đơn giản nhưng lại có hiệu quả rất cao. Có thể chữa được các chứng bệnh và có những khả năng sau:

1. Thanh nhiệt, hoạt huyết, giảm đau, trị ốm vặt

2. Nhuận trường, trị táo bón, rối loạn.

3. Giải độc trong bộ ruột, tiêu thủy, làm mạnh gân khỏe cốt, không đau nhức các khớp xương, làm hết phong thấp và tê mỏi.

4. Bổ tim, gan, thận, làm mắt sáng, thính tai, đen tóc.

5. Tiêu trừ một số bệnh linh tinh thường xảy ra cho người cao tuổi.

6. Ổn định huyết áp, điều hòa lượng đường trong máu, tăng sức đề kháng, chống chỏi bệnh tật. Riêng đối với phụ nữ, uống đậu đen xanh lòng sẽ giúp cho sắc diện xanh xao được trở nên hồng hào, da dẻ sẽ được mịn màng, xinh đẹp hơn.

Trên cơ sở phát huy của 6 tác dụng trên: Bệnh tiểu đường tự nhiên biến mất, đường trong máu trở về mức thích nghi, ta nên uống liên tục từ bây giờ cho đến hết đời dù bệnh tiểu đường có muốn tái phát cũng không tài nào tái phát được, có nghĩa là suốt đời không bị bệnh tiểu đường nữa. Bệnh này thuộc loại bệnh nan y, y học thế giới không có thuốc để trị dứt bệnh, chỉ giải quyết cho qua cơn bệnh thôi, rồi cũng tái phát, và nếu có bệnh nặng sẽ không ưng loại thuốc nào hết, chính nó là cơ sở phát sinh ra nhiều bệnh quái ác đưa đến tử vong, các bạn chớ coi thường.

Dược liệu

Chỉ có một thứ duy nhất là đậu đen xanh lòng (Blackbeans with green kernel) , tức là một loại đậu nhỏ, vỏ ngoài thì đen nhưng trong ruột có màu xanh đậm hoặc lợt tùy theo giống (chứ không phải loại đậu đen có ruột màu trắng thông thường).

Chúng ta có thể ra chợ hoặc đến tiệm có bán các loại đậu, và bảo họ bán cho vài trăm gram đậu đen xanh lòng đủ để dùng cho một thời gian ngắn thôi, khi uống hết lại mua tiếp, vì sợ mua nhiều quá để lâu có thể bị hư hay bị mọt ăn... vì đây là loại còn sống, loại sấy hạn dùng 6 tháng không xài được. Để xác định có đúng là đậu đen xanh lòng hay không, ta cắt hoặc cắn bể một vài hột để xem ruột nó có xanh hay không.

Liều lượng


Buổi sáng trước khi ăn điểm tâm tối thiểu nửa tiếng đồng hồ, uống sống, nuốt trọng 49 hạt “đậu đen xanh lòng”, chọn lấy hạt to rửa, vớt bỏ những hạt nổi, bù lại hạt tốt cho đủ số lượng 49 hạt, uống nhiều nước chừng nào tốt chừng ấy và liên tục như vậy mỗi ngày, uống mãi rất có hiệu quả. Thật là đơn giản, rẻ tiền, dễ thực hiện, đúng là thực phẩm chức năng!

Trẻ em từ 3-10 tuổi, chỉ cần uống mỗi ngày 10 hạt thì mắt sẽ sáng, không đau mắt dù học nhiều cũng ít bị cận; tiêu hóa tốt, không táo bón; sức khỏe tốt, ít ốm đau.

Từ 11-16 tuổi, uống mỗi ngày 21 hạt.


Từ 17 tuổi trở lên, uống theo người lớn.

Công dụng

Khi đậu đen xanh lòng uống vào trong ruột sẽ nở ra và hút các độc tố ở trong ruột vào nó rồi đem các độc tố ấy theo phân ra ngoài. Đó là nguyên lý giải độc và trị bệnh của phương pháp uống đậu đen xanh lòng

Cách làm bim bim chuối


Nguyên liệu: 
- Chuối tiêu ương: 5 quả
- Dầu ăn, đường, muối tiêu, ớt bột

Cách làm:
- Chuối ương mua về lột vỏ ngâm vào nước muối loãng sau đó vớt ra thái lát càng mỏng càng tốt. 


(Mọi người chú ý chiên đến đâu thái chuối đến đấy đừng thái trước nhiều chuối sẽ bị ra nhựa đen nhìn mất ngon) . 
- Bắc dầu lên chảo đun nóng già, thả từng lát chuối vào chiên nhỏ lửa, khi thấy vàng đều thì trở mặt chiên tiếp cho đến khi giòn thì bật lửa to cho ráo dầu rồi dùng vợt vớt thật nhanh tay cho vào giấy thấm dầu
 - Đợi khoảng 10' cho nguội bớt cho vào túi nilon to cho gia vị tuỳ theo sở thích (có thể là đường, muối tiêu hay ớt bột đều được) xóc đều tay rồi đổ vào hũ thuỷ tinh đậy kín nắp dùng dần nhé. 
Chúc cả nhà thành công!

Cách làm siro quất hồng bì



Nguyên liệu: 
1kg quất hồng bì + 350gr đường hoa mai (đường vàng)
 
Cách làm:

- Hồng bì mua về rửa thật sạch bằng nước lã nhiều lần, (rửa thật nhẹ tay không quả rất dễ dập vỡ) sau đó pha chút muối với nước đun sôi để nguội ngâm khoảng 15' rồi vớt ra rổ để khoảng 1h cho ráo.


- Dùng kéo cắt cuống gần sát núm quả rồi xếp vào lọ, lần lượt một lớp quả + 1 lớp đường cho đến khi hết. 

- Để trong nhiệt độ phòng khoảng 2 ngày cho đường tan hết lúc đấy gạn nước đường ra cho vào nồi đun sôi, hớt bọt, để nguội và đổ lại vào hũ quả. 

- Đợi quả ngấm đường rồi múc ra pha đá là oánh chén được thôi cả nhà ạ. Món này vừa giải khát vừa trị ho rất tốt, mn ăn thì xơi cả vỏ chỉ bỏ hạt thôi nhé vì bao nhiêu "tinh túy" của quả quất hồng bì nó nằm hết ở phần vỏ đấy ạ!

Cách làm bim bim khoai tây

Nguyên liệu:
Khoai tây, dầu ăn, muối, dấm, bột gia vị mì tôm, đường, rong biển khô bóp vụn

 
Cách làm:
1. Rửa và bào vỏ khoai. Nếu không muốn bào vỏ thì phải rửa khoai thật thật sạch
2. Cho khoai ra rổ. Cho nước vào thau nước lạnh pha chút muối, bào lát khoai tây rớt vào thau nước đó. Bào được lát càng mỏng thì càng tốt 


3. Bào xong đổ khoai ra rổ và thay nước khác cho chút dấm. Cho khoai tây ngâm vào nước 30’ đến 60p’.
4. Lại vớt ra rổ, xả lại nước khác cho sạch. Để thật ráo nước và dùng khăn sạch thấm bớt nước.
6. Chuẩn bị 1 rổ/mâm lót kín giấy A4 trắng, hoặc giấy ăn, giấy thấm dầu.
7. Đổ dầu vào chảo không dính. Chiên lửa từ nhỏ tới vừa, thả từng lát khoai nhỏ quanh mặt chảo để tránh dính chùm , khi được 30- 60s thì trở mặt khoai nhanh gọn, đến khi thấy đũa lạo xạo thì khoai sắp được. Vặn lửa to cho ráo dầu và dùng vợt vớt thật nhanh tay không là khoai sẽ bị cháy đen mất.

                                      
8. Lắc khoai tây :
Chiên xong hết rổ khoai phải thấm hết dầu, để nguội (để ít nhất 10’ cho hạ nhiệt vì nếu khoai đọng nhiều dầu hoặc chưa nguội, còn hơi nước hay ko khí đã bọc vào túi thì khoai sẽ bị ỉu ngay). Cho khoai + bột canh trong gói mì tôm+1 chút đường+ rong biển sấy bóp vụn vào túi nilông. Túm miệng túi cho phồng lên, cột thun lại, rồi lắc lắc đều cho ngấm gia vị là đã hoàn tất mọi công đoạn.

22/7/14

Cách làm bánh bèo Hải Phòng

NGUYÊN LIỆU (cho 30 chiếc bánh)
- 600 g bột gạo khô (bột Tài Ký)
- 1/2 kg thịt nạc vai/ ba chỉ xay nhỏ
- 1/2 kg lá chuổi tươi
- 100g mộc nhĩ
- 100g hành tim
- 1,5 lit nước ấm 40 độ
- Gia vị : muối, bột ngọt...
Nước chấm:
- 1kg xương ống ninh lấy 1,5 l nước dung
- Đường
- Nước mắm ngon
- Tỏi phi
- Quất, ớt bột

CÁCH LÀM BÁNH

- 1/2 kg lá chuối tươi – rửa sạch, hơ qua lửa rồi gấp thành những chiếc “thuyền” kích thước khoảng 5 x 10cm.


- 100 g mộc nhĩ ngâm mềm xắt chỉ

- 100g hành tím bóc vỏ xắt lát, phi thơm

- 1/2 kg thịt xay xào thơm với tiêu, muối, bột ngọt, nêm vừa ăn. Bỏ mộc nhĩ đã xắt chỉ, băm vụn vào xào chung

- Pha bột với nước, khuấy đều, thêm tí xíu muối, tiêu, bột ngọt

- Đổ bột vào khuôn lá chuối với độ dày mỏng tùy ý sau đó múc hỗn hợp thịt – mộc nhĩ, hành phi lên trên mặt (mục đích để làm nổi nhân bánh lên sau khi bánh được hấp chín)

- Bắc nồi hấp lên bếp, đun sôi nước, xếp các thuyền lá chuối vào xửng, hấp cho đến khi bánh trong là được.
 

CÁCH LÀM NƯỚC CHẤM

- Nước dùng pha thêm khoảng 03 muỗng mắm ngon, 02 muỗng đường, nêm vừa ăn, thêm tỏi phi vào cho thơm.

- Ngoài ra theo mình bên cạnh xương ống mọi người có thể đun cùng với thịt viên đã rán qua, như vậy nước dùng sẽ rất ngọt , lại có viên thịt rất ngon

- Nước chấm nên pha vừa ăn để có thể vừa ăn bánh, vừa húp mắm.

 
CÁCH “MĂM” BÁNH

- Bánh cắt làm 6, dùng nóng cùng với nước chấm thêm ớt bột, vắt quất. Ngon nhất là hấp bánh đến đâu dùng ngay đến đấy.
Chúc cả nhà ngon miệng!

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Thanh Huyền - Premium Blogger Themes | Premium Wordpress Themes
Lên đầu trang
Xuống cuối trang