05/11/2013

Diệp Linh tháng thứ 9


Chín tháng (8,0kg; 73cm => 8,6kg; 75cm: +0,6kg;+2cm)

Sang tháng thứ 9 con biết nhiều trò hơn, không chỉ làm xấu, nháy mắt, chẹp môi và phun phì phì, con còn biết vỗ tay hoan hô, bye bye rồi ngửa cổ để trêu mẹ...Cả ngày đi làm mệt, về đến nhà hai mẹ con ôm nhau đu đưa võng, nghe tiếng con ê a nói chuyện rồi khanh khách cười mà mọi nhọc nhằn của mẹ như tan biến đi đâu hết. 

Mà càng lớn con càng thiên vị bố với anh Hiếu hơn mẹ nhé, chỉ cần nghe tiếng xe bố đỗ xịch trước cửa hay tiếng chìa khóa mở lách cách là con ngồi phắt dậy nghe ngóng (kể cả khi đang mê mải chơi một món đồ ưng ý) rồi đến khi bố vào thì con hét lên mừng rỡ và nhoay nhoáy bò ra cửa đón...Đến cả anh Hiếu cũng thế, thấy anh về là con rối rít tít mù lên...Chỉ có mẹ là con không mừng tíu tít như thế, chỉ hớn hở một tí rồi đòi măm măm ngay thôi...Chả biết tại vì bị mẹ ép ăn nên con...ghét hay tại con bé tí đã biết...trọng nam khinh nữ - mẹ cũng chả biết mà cũng chả đoán già đoán non nữa. Chỉ thấy buồn cười với con thôi, sao mà con lạ thế nhỉ?

Trộm vía tháng này con không bị ốm to trận nào, chỉ có một lần chảy mũi mẹ cho uống tiffi và nhỏ otrivin vài lần thì khỏi. Chắc con lớn rồi lại biết thương mẹ vất vả bận rộn nên không nỡ ốm phải không con? Công ty mẹ đổi chủ đầu tư đồng nghĩa với việc một núi những việc không tên đổ lên đầu, mỗi ngày mẹ đi làm là mỗi lần phải gạch ra hàng chục cái đầu dòng kín đến hơn một trang A4 và mỗi cái gạch đầu dòng tương ứng với ít nhất một việc cần phải giải quyết. Công việc cuốn mẹ đi đến độ mệt nhoài, về đến nhà chỉ còn sức cho con ăn một bữa phụ, tắm táp cho con, nấu một bữa cháo, cho con ăn rồi lại nấu cơm, dọn dẹp là bò lên giường bơ phờ ra...Đã hai tháng có lẻ rồi mẹ không có thời gian cho các con đi công viên kể từ dịp Trung thu, rồi còn chuyện nghe nhạc của con, kể chuyện cho con nghe...đều bị cắt bớt trong thời gian biểu của mẹ, nghĩ cũng tội con mà lực bất tòng tâm. Ngay cả đến những dòng Nhật ký cho con này mẹ cũng phải hạ quyết tâm để có thể chong đèn mà gõ...


9 tháng 10 ngày, không biết có phải mẹ ảo tưởng về con không nhưng đôi lúc mẹ thấy con lanh ý như một cô nhóc thực thụ. Khi bị mẹ mắng vì tội con hay ngứa răng cắn bừa khiến mẹ đau (con có những 6 cái răng rồi mà còn sắc cực kỳ nữa), con vội nhả ngay ra rồi len lén nhìn mẹ, nếu mẹ vẫn còn mắng là con quay đi giả vờ ngó lơ sang chỗ khác rồi chốc chốc lại quay về len lén nhìn mẹ...Rồi lúc mẹ cáu kỉnh con toàn bày trò làm xấu để mẹ lại phì cười, lúc được mẹ dỗ dành con ăn ngoan trông thấy (muốn con ăn uống hợp tác là mẹ phải dịu dàng đến "tốc độ tối đa": một tay bế con còn một tay kia thì len lén xúc cháo, miệng thì lúc nào cũng phải cười, mắt lúc nào cũng phải nhìn con âu yếm còn chân thì đi liên tục...vòng quanh nhà, không mua mau cái võng xếp làm trơ thủ thì mỗi lần cho con ăn xong cánh tay mẹ rã rời như vừa chải hết nguyên một chậu quần áo bẩn con yêu ạ) và khi anh Hiếu bị mẹ mắng đôi mắt con cũng tròn xoe lo lắng, liệu con có hiểu điều gì không con nhỉ?

Chín tháng rưỡi mẹ sắm cho con cái xe vòng tập đi, con hớn hở thích chí lắm chạy băng băng quanh nhà. Được hôm trước hôm sau bố gọi điện thông báo con ở nhà bị NGÃ ĐAU LẮM, mẹ nghe mà rụng rời bảo ông bà phải theo dõi thấy con có hiện tượng nôn trớ liên tục và sốt li bì thì phải gọi điện báo mẹ về đưa đi viện ngay. Trộm vía con được mụ đỡ nên lại tai qua nạn khỏi, chỉ tội một bên mắt sưng u với quầng tím đen sì bằng cả lòng bàn tay...Thương con nhưng chẳng dám trách bà sơ ý vì có ai muốn chuyện như thế xảy ra đâu. Chỉ dặn bà lần sau để ý con cẩn thận không lỡ xảy ra chuyện không may nữa thì ân hận cả đời...

Gần tròn 9 tháng bác và ông ngoại ra chơi, con được dịp thể hiện sự láu lỉnh đáng yêu làm cả nhà cười đau bụng. Ông cho con chơi trò chơi với tờ tiền 20.000đ, con ngoăn ngoắt bò đến chộp lấy tờ tiền trên sàn nhà rồi mọi người vây quanh reo hò, thỉnh thoảng rút trộm tiền của con để thử phản ứng. Ai dè con cũng ma lanh lắm, hễ cứ có người định giơ tay trêu con là con nhấc mông quay ngay lưng về phía người đó. Ai mà chạm vào tiền của con là con hét to hơn còi rồi lăn đùng ra ăn vạ. Bác H. trêu "hậu sinh khả úy" còn mẹ thì quay hẳn một clip đặt tên là "Diệp Linh mê tiền" để sau này lớn lên con còn có cái mà xem lại :)). Mà không biết có thực con mê tiền hay đó đơn thuần chỉ là một món đồ chơi - khám phá mới của con nhỉ? (Thực tế thì mẹ thấy chưa món đồ chơi nào làm con thích mê đến thế kể cả cái đám dây dợ lằng nhằng là thứ con thích táy máy nhất) Cái này phải đợi con lớn tẹo nữa thì mẹ mới kiểm chứng được. Giống như hành động chu mỏ hóng chuyện của anh Hiếu hồi bé mẹ với bác H. đã cùng chứng kiến ấy thì anh con khi lớn lên đúng là hóng chuyện...thôi rồi! :D

Thời gian quả thật là nhanh con nhỉ, nhoắng cái con đã biết bò, rồi tập đứng, tập đi vịn vào bàn ăn những bước chập chững đầu tiên. Nhìn đôi chân con bé xíu bước đi từng bước một theo mẹ hay bò thoăn thoắt rồi túm ống quần mẹ để đứng được lên mà thấy yêu đến vô cùng. Thế là con đang lớn, đang từng bước phát triển nhịp nhàng. Chỉ mong con sau này khỏe mạnh, thông minh, lý lắc và luôn là niềm vui vô tận cho cả nhà là mẹ mãn nguyện lắm rồi, yêu con lắm lắm và chúng mình lại hẹn hò tháng sau đừng ốm cục cưng của mẹ nhé! ♥

05/10/2013

Diệp Linh tháng thứ bảy+tám

Bảy tháng (7,2kg; 70cm => 7,5kg; 71cm: +0,3kg;+1cm)
Tám tháng (7,5kg; 71cm => 8,0kg; 73cm: +0,5kg;+2cm)


Từ 05/08 - 05/10/2013

Bước sang tháng thứ bảy con trở nên "đanh đá, ghê gớm" với nhiều trò hơn, thứ nhất khả năng cắn lung tung của con ngày một phát huy (bị con cắn nhát nào biết tay nhát đó :D), thứ hai là cái tay xinh xinh của con ngoài việc thích ném đồ chơi khắp nơi còn "du nhập" thêm cả trò...cấu véo, mẹ với anh Hiếu cứ gọi là hét thất thanh khi bị con nhéo mũi, nhéo má...Mà con lúc í thì cười teo toét phởn chí ra mặt. Eo, con gái mẹ bé tí mà...bạo lực quá cơ!

Bảy tháng tám ngày mẹ chính thức chấp nhận mình đã thất bại thảm hại trong việc tập cho con ăn thô sớm. Những món cháo mẹ kỳ công hấp, băm không còn khả thi khi con được ông bà nội cho ăn vì ăn theo "kiểu của mẹ" phải kiên trì và mất nhiều thời gian nịnh nọt, dỗ dành hơn...Với sức ép từ phía ông bà, mẹ đành quay trở về vạch xuất phát với kiểu nấu cháo truyền thống là trộn lẫn và xay nát, hậu quả là con trở nên lười ăn đến sợ. Mỗi bữa ăn của con với mẹ căng thẳng vô cùng, con la hét khóc lóc khi bị đưa đồ ăn lên miệng, sau đó không cẩn thận là sặc, rồi trớ ngổn ngang...Lắm lúc người mẹ nhoe nhoét toàn sản phẩm trớ của con. Toàn cảnh diễn ra như lặp lại tuổi thơ của anh Hiếu và mẹ đôi lúc thần người ra vì bất lực, mẹ phải làm sao đây, mẹ biết làm gì tiếp theo đây???

Căng thẳng trong công việc cộng thêm việc chăm sóc con không được như ý muốn, nhiều lúc mẹ cảm giác mình sẽ phải bỏ cuộc thôi, bằng cách chấp nhận nghỉ làm ở nhà chăm con hay tạo nên một đợt sóng ngầm là lại đem con đi gửi trẻ ở ngoài để người ta cho con ăn theo ý mình. Nhưng cuối cùng mẹ lại cố, lại lẩm nhẩm "thần chú" để xốc lại tình thần "hạnh phúc chỉ có khi chúng ta không bao giờ ngừng cố gắng"...

Dần dà mẹ học cách cho cảm xúc "ngủ đông" lúc cho con ăn, mẹ cố gắng để không buồn, không giận dữ, không nản chí, không tiêu cực trong khoảng thời gian 30 phút đáng sợ ấy...Nhưng khi hình dung lại ánh mắt vừa hoảng hốt, vừa mệt mỏi của con mẹ lại thấy đau thắt nơi lồng ngực...Một bên là con, một bên là những vị cao niên với những quan điểm áp đặt hàng mấy thập kỷ không thể xóa bỏ. Và kết cục là mẹ buộc phải chấp nhận phục tùng, hãy tha thứ cho mẹ vì đã không đủ mạnh mẽ để yêu thương con như cách mà mẹ muốn, con gái bé bỏng tội nghiệp nhé!

Bảy tháng rưỡi con ngồi rất vững, rồi nhoai người ra khắp nơi để tóm lấy thứ con thích, tay con cũng khéo hơn nhiều khi biết mở nắp hộp để lấy đồ chơi bên trong và con bắt đầu thích được mẹ massage cho. Trước nay mỗi lần mẹ đụng vào con để massage, nắn tay nắn chân là con khó chịu hét ầm lên, bỗng dưng giờ con khác hẳn, nằm im như ru khi những ngón tay mẹ lướt nhẹ trên lưng, rồi còn xoa trán, xoa mặt nữa...Con ngoan ngoãn nằm cảm nhận những vỗ về yêu thương của mẹ. Rất cảm ơn con vì "sự hợp tác" này đấy, con yêu ạ!

Hơn tám tháng, mẹ tá hỏa khi con ăn gì trớ đấy và từ chối mọi loại sữa, kể cả sữa mẹ! Đưa con đi viện kiểm tra mà mẹ lo bần thần sợ bệnh nọ lại lây xọ bệnh kia (vì giờ dịch đau mắt đỏ đang bùng phát dữ dội trên toàn quốc). Khám xong bà bác sĩ còn dặn về nhà theo dõi cẩn thận vì viêm họng cấp có mủ thường là khởi phát của bệnh tay chân miệng. Ôm đống thuốc về, lời dặn bác sĩ bùng nhùng bên tai, sao không có tháng nào con không mắc một bệnh gì đó cho mẹ đỡ lo hở con gái?

Bao nhiêu ngày con ốm là bấy nhiêu ngày con không ti mẹ, vừa lo con khát sữa, sụt cân lại thêm lo cứ đà này thì mất sữa vì con chẳng chịu ti. Cuối cùng mẹ đành vắt sữa ra đổ thìa cho con, không ngờ vừa nuốt được một thìa sữa con cuống cuồng há miệng chờ thìa tiếp theo. Nhìn đôi môi khô nẻ của con cứ liên tục mở ra như chim non chờ mẹ mớm mồi mà thương đến ứa nước mắt. Rồi mẹ lại tự trách mình dốt nát nghe người ta nói ra nói vào "Mẹ lớn tuổi rồi sữa làm gì còn đủ chất mà cho con bú, giờ sữa ngoài tốt hơn!" để rồi con ốm mẹ cố cho ăn sữa ngoài mà ăn bao nhiêu trớ bấy nhiêu. 

Và hành động của con là minh chứng rõ rệt nhất cho mẹ tin tưởng rằng với con mẹ vẫn là quan trọng nhất, với con dòng sữa mẹ là quý giá nhất, với con vòng tay mẹ là an toàn nhất...Mẹ xin lỗi con vì nhiều lúc hoang mang không định hướng và nghe theo những lời khuyên thiếu hiểu biết để người cuối cùng chịu mọi hậu quả vẫn chỉ là con. Đó là bài học đầu tiên con "khai sáng" cho mẹ phải không con gái?

Sau bốn ngày uống kháng sinh con đỡ hẳn, con đã không còn bị trớ sau khi ăn, ngoan hơn và chịu bú mẹ. Mẹ mới nghĩ ra được một cách cho con ăn mà không để con phải khóc thét nữa và rồi mẹ đã thành công. Hy vọng con gái sẽ cứ ngoan như thế nhé để bù lại những ngày ốm trước đây. Chúng mình phải khỏe mạnh để hứa hẹn với nhau sang tháng kế tiếp con "ứ thèm" ốm nữa nhé! Mẹ thương và yêu con nhiều lắm lắm, con gái ơi!

15/09/2013

Đừng bao giờ


Đừng bao giờ thử thách sự kiên nhẫn của người khác bằng việc phạm phải một sai lầm quá nhiều lần. Người ta có thể yêu thương bạn thật lòng đấy, nhưng bạn có chắc sau ngần ấy lần người ta còn một lòng một dạ vì bạn hay không?

Vậy nên đừng coi điều gì là hiển nhiên cả, hãy biết trân trọng những gì bạn có

Việc tha thứ cho một người nào đó thì rất dễ dàng. Nhưng có đủ khả năng để tin họ lại một  lần nữa không lại là một  chuyện khác ..

Trên thế giới này, bạn sẽ chẳng bao giờ tìm được người yêu bạn theo cách mà bạn muốn. Bởi vì chắc gì, bạn đã yêu bất kỳ ai theo cách mà họ muốn phải không?

Trong tình yêu, quan trọng không phải là "đạt được cái mình muốn, mình cần". Nếu chỉ quan tâm đến điều chúng ta cần, ta muốn, tình yêu sẽ chứa đựng rất nhiều ích kỷ. Và ích kỷ thì chỉ yêu mình, sẽ chẳng thể yêu lại đối phương.

Trong tình yêu luôn có tình thương, sự nhường nhịn cảm hóa những giận hờn, xích mích.

Yêu là quá trình trưởng thành của cả hai, tìm đến sự hòa hợp trong tâm hồn và cuộc sống.

Đừng đòi hỏi một công thức, một cách làm hoàn toàn đúng khi yêu. Vì điều đó, vốn dĩ không tồn tại 


Nguồn: facebook

13/09/2013

Thèm...


...Thèm một người chồng khi vợ trồng cây biết vác đất lên sân thượng...
...Thèm một người chồng luôn ủng hộ và cùng thực hiện những ý tưởng trang hoàng nhà cửa của vợ...
...Thèm một người chồng khi đồ đạc trong nhà hỏng hì hụi lôi ra tháo tháo lắp lắp đến toát mồ hôi hột...
...Thèm một người chồng khi đi đến những quán ngon thì ghi ngay lại địa chỉ để lần sau đưa vợ con đến...
...Thèm một người chồng quan tâm đến sức khỏe hơn là cân nặng của vợ...
...Thèm một người chồng khi ăn cơm xong tự nguyện bảo "hôm nay anh rửa bát dùm em nhé!"...
...Thèm một người chồng khi vô tình đọc được những dòng lãng đãng do vợ viết không tỉnh queo thốt lên: "Đúng là hâm!"...
.......
.......
.......

08/09/2013

Diệp Linh tháng thứ sáu

Sáu tháng (6,85kg; 67,5cm => 7,2kg; 71cm: +0,35kg;+3,5cm)

Từ đận đi viện do sốt virus, con bị sổ mũi và ho tằng tằng mãi không khỏi đến cả chục ngày trời. Lần này mẹ nhất quyết không để con phải uống kháng sinh vào người nữa. Thế là đành lọ mọ tìm đủ các bài thuốc trị ho, trị sổ mũi cho con. Mẹ tâm đắc nhất là món mật ong - đường phèn - chanh đào đã ngâm kỹ cả năm nay đem hấp chín cho con uống mà rồi uống lần nào con trớ ra lần đó. Mẹ đành nhằm nhằm canh lúc nửa đêm - lúc con ngủ say nhất và trước khi những cơn ho thường ập đến - nhỏ trộm mật ong vào miệng con, từng giọt một thôi để con không vì khé cổ mà trớ ra, rồi ban ngày lúc nào thấy con...mát tính là mẹ lại pha loãng mật ong với nước ấm cho con uống. Thế rồi mà con nào có khỏi...

Sau mẹ nghĩ ra chung quy viêm họng là do viêm mũi, nước mũi chảy xuống họng mà gây ho thôi nên muốn dứt ho thì phải dứt sổ mũi trước. Thế là mẹ ra hiệu thuốc khệ nệ ôm một mớ thuốc Đông - Tây y kết hợp: siro ho prospan, xịt nước biển vesim, nhỏ mũi otilin, nước muối sinh lý, vitamin C ceelin và một chiếc dụng cụ hút mũi. Mỗi lần rửa mũi con phải nhỏ thật nhiều nước muối sinh lý, rồi thì xịt nước biển đến khi dịch mũi chảy ra thì cắm ống vào hút, hút sạch mới nhỏ otilin cho thông mũi...Siro ho thì có vị ngon như trà xanh O độ, dễ uống nên con không ọe tí nào, Ceelin làm tăng sức đề kháng. Ăn uống thì mẹ bổ sung thêm sữa chua và nước cam vào khẩu phần ăn cho con để con có sức mà chống chọi lại bệnh tật...Mẹ tính hết "bài" này mà con không khỏi, mẹ sẽ lấy lá diếp cá ninh với nước vo gạo để làm bài thuốc kháng sinh cho con uống hàng ngày...Nhưng phương án B của mẹ không có dịp thực hiện vì con đã khỏi rồi...Có lẽ con thương mẹ lọ mọ đêm hôm như ma xó suốt nên "chấp nhận khỏi" đúng không? :))

Khi con khỏi ốm là lúc mẹ phải đưa con đi trẻ. Đến nhà người ta thông báo ngày đưa con đi trẻ mà tá hỏa vì bà trông trẻ thấy lâu lâu mẹ không qua nên nhận thêm trẻ khác vì nghĩ mẹ...không gửi con nữa! Mẹ chẳng biết làm sao đành "ăn vạ" người ta, bảo "Kệ bà, cháu cứ đúng hẹn cháu đem con cháu qua gửi! Tại bà nhận thêm trẻ không báo gì giờ lỡ hết việc cháu biết làm thế nào...". Rồi bà ý cũng bỏ bớt một trẻ, giờ còn lại trông con và...hai bé hơn 2 tuổi nữa. Chẳng tìm đâu ra người cẩn thận, nhà cửa lại sạch sẽ như chỗ đó, mẹ đành nhắm mắt liều trao gửi con cho người ta...
Đưa con đi trẻ rồi hàng ngày mẹ vẫn cố gắng để duy trì việc phơi nắng và cho con nghe nhạc. Một ngày của mẹ bắt đầu lúc 5h15 sáng với việc cho con uống vitamin C và D, sau đó dỗ con ti. Đến 6h thì bế con đi phơi nắng, 6h15 làm vệ sinh cho con và 6h30 hai mẹ con lên đường. Thực hiện như thế được hai ngày nhưng sang đến nơi thấy người ta cho con uống sữa khổ quá mẹ lại cố, thôi thì còn ở nhà ngày nào hay ngày đấy nên cố mà chăm con. Mẹ lại hì hục cho con uống sữa công thức, giữa giờ chạy sang cho ăn bột, cho ti...May mà nhà người ta ở gần chứ xa thì phen này chắc cũng hết hơi con nhỉ? :)

Hôm nay (13/8) là ngày thứ tư con đi trẻ, chiều về mẹ nấu món cháo tim gan gà cải ngọt theo kiểu Nhật, con ăn thun thút làm mẹ mừng húm. Nhìn bát cháo còn thừa tí đáy mà mẹ cứ âm thầm...sướng tỉ tê từ chiều đến tối. Ra là người ta đưa ra phương pháp ăn khoa học thật con ạ nên không bõ công mẹ đã học theo, từ những lúc con ngồi trên ghế tập ăn tự cầm bánh gặm nham nhở đến lúc cho con nhấm nháp thử những miếng thức ăn lấy từ mâm cơm bố mẹ, từ những lúc con ọe cả ra vì miếng thức ăn to đến lúc mẹ đi thu dọn chiến trường sau khi con "chè chén"...Vất vả một tí cũng xứng đáng thật con ạ. Hy vọng với những phương pháp ăn dặm kết hợp này con chóng biết ăn và ăn ngoan hơn anh Hiếu để mẹ còn có tí dũng khí mà dám...sinh thêm em bé cho con sau vài năm nữa! :D
Gửi con đúng đến Rằm tháng Bảy thì ông bà nội ra "nghị quyết" không cho gửi trẻ nữa để ông bà chăm vì sốt ruột khi thấy người ta không trông mình con mà còn kèm thêm 2 bé nữa. Mẹ lại được phen lo bần thần vì con đi trẻ đã bắt đầu vào nếp, ăn - ngủ - out put đúng giờ như cái đồng hồ nhưng chỉ thị của ông bà là thế không cãi được thế là con lại di cư ra nhà nội. Trộm vía con chỉ khục khoặc hai ngày đầu, sau quen hơi bén tiếng ông bà với bác, con ăn ngủ ngoan hẳn lên lại được ông bà cho uống sữa liên tục chứ không bị mất bữa sữa nào trong lúc mẹ vắng nhà nên được một tuần mà con tăng được gần 300gr. Khỏi phải nói mẹ vui mừng hơn tất thảy, thế là yên chí đi làm, yên chí có hậu phương vững chắc rồi còn con cũng yên chí mà lớn đều đều con nhé!

6 tháng 15 ngày, con có thêm trò mới toanh là...rung chân. Lúc ngồi ghế tập ăn con cũng rung chân, lúc ti mẹ con cũng "đá đưa" trông đến là buồn cười. Cái mặt thì bé choắt còn môi lúc nào cũng mủm mỉm...cắn lưỡi cho đỡ ngứa lợi, lúc ngồi chơi con cũng có một phong cách "ngả ngớn" chẳng giống ai. 6 tháng 30 ngày, con đã ngồi rất vững và lẫy lật thì choanh choách. Lẫy chán con mỏi tay liền nằm xuống gối nghỉ khỏe, chán lẫy con tiếp tục chống gối lên tập bò. Nhìn cái mông nhấp nhổm cong lên mà chết cười với con. Nói chung xét một cách toàn diện con là tổng thể niềm vui của mẹ, của cả nhà vì nhìn con là chẳng thể nào...nhịn được cười! :))

Gần 7 tháng con trở nên lười ăn kinh khủng, cứ đưa cái thìa lên miệng là con hét như còi. Mẹ đành tự an ủi là con đang trong giai đoạn biếng ăn sinh lý để đỡ xì-trét thế mà rồi có an lòng được đâu vì được vài bận con lại ốm sụt sùi. Con sốt hu hi kèm theo hơi ho và sổ mũi và bài thuốc trên lại được mẹ áp dụng lại. Hình như con gái mẹ ốm có "dớp" double hay sao ấy nên toàn bị lại bệnh cũ, hy vọng đến lần thứ 2 con cũng khỏi như hồi bị đau mắt là ổn con nhỉ? Phải khỏi để hân hoan đón mừng tháng tuổi thứ 7 chứ phải không con? <3

27/08/2013

Phương pháp chế biến đồ ăn dặm kiểu Nhật

Mình đọc nhiều tài liệu trên mạng và rất thích cho con ăn dặm kiểu Nhật nhưng việc nấu nướng kiểu này cách rách hơn nấu món ăn dặm truyền thống rất nhiều. Xác định chế biến món ăn dặm theo kiểu Nhật cho con là bước đầu phải chấp nhận vất vả nhưng được cái lợi ích về lâu dài thì thực sự đáng để các mẹ cố gắng. Ít nhất là con được học cách cảm nhận khẩu vị, được phát triển thị giác với chính những món ăn của mình. Từ đó dần dần con sẽ trở nên yêu thích bữa ăn vì mỗi khi được ăn là con được khám phá và thưởng thức bữa ăn thực sự đúng nghĩa trong một bầu không khí vui vẻ tràn ngập tiếng cười giữa con với mẹ, với cả nhà. 

Rút kinh nghiệm từ bản thân, nuôi con tập 1 của mình luôn là những cuộc chiến kinh hoàng mà nội dung chiến sự chỉ xoay quanh vấn đề ăn uống của con. Lắm lúc nhìn con ăn lại trớ, trớ xong lại ăn, ăn xong lại trớ tiếp mà mình chỉ biết bưng mặt khóc vì thương con và bất lực nên đến tập 2 là em Diệp Linh này mình dẹp ngay kiểu ăn dặm truyền thống (theo kiểu gi gỉ gì gi cái gì cũng xay nát rồi quấy lộn vào nhau đem nấu, sau đó thì ép con ăn cho bằng hết khẩu phần mà chả thèm quan tâm xem con có thích ăn món đó hay không í. Thêm nữa, vì con phải ăn cháo xay nát mãi đến hơn 2 tuổi mới tập cho ăn thô thì lúc ấy mất phản xạ nhai nuốt rồi nên để con ăn được cơm thì đến là chật vật, thậm chí bây giờ 7 tuổi rồi mà thức ăn của con vẫn phải cắt nhỏ thì con mới có thể ăn nhanh được)

Cho Diệp Linh ăn dặm kiểu Nhật mới được gần nửa tháng mà em ăn uống tiến bộ thấy rõ. Nhìn em ăn và nhai nuốt hẳn hoi như người lớn mình thưởng thức bữa ăn ấy mà thấy sung sướng quá thể. Dù rất bận nhưng mình cũng cố để post hình ảnh và chia sẻ chút ít kinh nghiệm cho các mẹ bận rộn vừa đi làm vừa chăm con có thể thực hiện phương pháp cho con ăn dặm rất khoa học này nhé:

Đồ dùng cần có: tủ lạnh, lò vi sóng, rây lọc một lớp bằng inox, khay đá nhựa dẻo (4-6 chiếc), phích, nồi áp suất (nếu không có thì hơi mất thời gian tí), màng bọc thực phẩm (wrapping)...
Cần sắm một tủ lạnh với dung tích tương đối cho cả gia đình (nhà mình có 4 thành viên với 2 người lớn + 1 bé 7 tuổi + 1 bé 6,5 tháng phải xài tủ 407 lít mới đủ chỗ trữ đồ)
Trữ củ quả...
Trữ đông thực phẩm

Chuẩn bị cháo trữ đông:
Mình có mẹo nấu cháo cấp tốc mà cháo rất sánh và thơm. Đầu tiên mình vo gạo, cho vào phích rồi đổ nước sôi đậy nắp lại để qua đêm đến hôm sau cho vào nồi áp suất đun lại trên bếp gas khoảng 5-10 phút là cháo nhừ sánh lại. Để cháo nguội bớt rồi cho vào cái rây inox miết để lọc cháo vào bát tô (lọc qua rây sau khoảng 2 tuần đến 1 tháng thì không lọc nữa mà khuấy cháo thật kỹ bằng đũa nấu cho tơi hạt cháo ra để tăng độ thô cho con) sau đấy múc cháo đổ vào khuôn làm đá viên bọc lại bằng màng bọc thực phẩm cấp đông bảo quản trong tủ lạnh (mà cháo phải nấu thật đặc nhé để lúc quấy cùng nước dùng sẽ không bị loãng, khoảng nửa già bát con gạo ngâm với nửa phích nước là ok). Mỗi lần mình làm khoảng 3 khay cháo dự trữ. 
Cách nấu cháo cấp tốc và trữ đông cháo:
Ủ gạo với nước nóng trong phích khoảng 5-6 tiếng.
Đổ cháo ra nồi áp suất, đun sôi xong đậy nắp...
...vặn nhỏ lửa để khoảng chừng 5-10 phút.
...mở nắp lấy đũa nấu khuấy kỹ cho cháo thật nhừ.

Chia cháo vào khay đá khi cháo còn hơi ấm (không nên để nguội hẳn sẽ mất nước khi quấy lại ăn sẽ không sánh và ngon được như mới nấu)

Bọc kín bằng wrapping đem cấp đông trong ngăn đá tủ lạnh
Bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh
Chuẩn bị rau củ trữ đông:
Mỗi lần làm mình hấp mỗi loại một ít như su su, khoai lang, khoai tây, rau dợ linh tinh để cả ở vỉ hấp nỗi cơm điện ấy đem hấp chín nhừ xong cũng miết rồi lọc qua rây cho vào khay đá rồi cấp đông như làm với cháo ấy. Mỗi lần mình làm khoảng 3 khay rau củ, ưu tiên các loại rau khó băm như su su, khoai tây, cà rốt...vì các loại rau lá dễ băm hơn nên mình hay lấy rau tươi mà không cần cấp đông.
Phương pháp cấp đông rau củ quả: 

Rau củ quả mỗi loại một ít gọt bỏ vỏ, rửa sạch cắt khúc cho nhanh chín, bỏ tất cả vào vỉ hấp nồi cơm điện nấu cùng cơm. Khi cơm chín bỏ khay rau củ ra ngoài để nguội.


Khi rau củ đã được hấp chín nhừ.
Lấy riêng từng loại rau củ ra, bỏ vào rây inox đã trụng qua nước sôi tiệt trùng, dằm kỹ và miết qua rây.


Sau khi miết qua rây sẽ được thành phẩm với độ nhuyễn như thế này.

Ảnh trên: bí đỏ đã miết qua rây lọc 
Ảnh trên: thành phẩm bí xanh đã miết qua rây lọc.




Cho vào khay làm đá đã trụng qua nước sôi tiệt trùng. 
Ảnh trên gồm có: bí xanh, bí đỏ, bầu, su su, cà rốt (mỗi lần dự trữ mình làm 3 khay rau củ loại khó băm, thêm nữa khi hấp chín sẽ ngon hơn và không bị ngái như để sống quấy cùng cháo)
Thành phẩm rau củ sau khi cấp đông
Ảnh trên gồm có: khoai lang, bí đỏ, bí xanh, củ đậu, cà rốt. Mồng tơi và rau ngót mình cũng dự trữ một chút đề phòng hôm nào không kịp mua rau tươi về băm cho con ăn.
 
Thành phẩm rau củ sau khi cấp đông
Ảnh trên gồm có: củ đậu, su su, bí đỏ, bí xanh, bầu, cà rốt.
Đậy kín nắp hộp tiếp tục bảo quản trong ngăn lạnh
Chuẩn bị thức ăn mặn trữ đông:
Tùy theo từng loại thực phẩm có thể chế biến bằng cách băm nhuyễn (em ấy tập ăn đồ băm mất có hai ngày thôi nhé, giờ thì hết ọe rồi, kể cả khi mẹ cố tình băm lổn nhổn hơn một tí) từng món như tôm, cá, thịt gà, bò, lợn, hải sản...xào thơm lên, cho tẹo mắm rồi cũng tích trữ như thế. Mỗi lần mình làm khoảng 1,5 khay thức ăn mặn dự trữ.
Phương pháp cấp đông thực phẩm:

Ảnh trên: Đùi ếch đã sơ chế (bóp muối hạt, rửa sạch, lọc bỏ da và xương)



...sau đó băm nhỏ, ướp chút xíu mắm ngon và xào qua với hành khô phi thơm
Tôm sống trụng nước sôi cho dễ lột vỏ, băm nhỏ, ướp chút mắm ngon. Phi thơm dầu ăn với hành đổ tôm băm vào xào chín là ok.
Bề bề sống trụng nước sôi cho dễ lột vỏ, băm nhỏ, ướp chút mắm ngon. Phi thơm dầu ăn với hành đổ tôm băm vào xào chín là ok.
Tôm và bề bề trụng qua nước sôi đỏ au 
Cá tráp làm sạch ướp với chút mắm ngon đem hấp chín trong lò vi sóng. Sau đó gỡ bỏ xương và da được phần thịt cá đem chà bông lên, đặt chảo lên bếp để nóng già, trút cá và cho tẹo mắm vào đảo đều tay trên lửa nhỏ. Đến khi nào cá bông lên và dậy mùi thơm thì nhắc ra để nguội bớt rồi cấp đông.
Lươn mua về để nguyên trong túi nilon đổ vào một thìa muối hột, lươn sẽ tự quẫy cho sạch nhớt. Sau đó đổ ra thau nước tuốt thêm vài lần cho hết hẳn nhớt. Bắc nước lên bếp đợi sôi thả lươn vào luộc chín. Vớt ra lấy tay tuốt thịt theo rãnh xương từ đầu đến đuôi là thịt lóc ra hết còn lại cái xương 3 nhánh ngon ơ. Băm thịt lươn thật nhỏ và xào thơm với hành tây băm nhỏ thêm chút mắm ngon là hoàn tất.


Cá bớp (cho mấy anh này đi ngủ trong ngăn đá rồi vì ngại làm quá) 
Ngán rửa sạch cho vào bát, bắc nước lên bếp chờ sôi kỹ nhắc ra đổ lên ngán cho há miệng thì gạn hết nước sôi đi. Lắc kỹ cho ngán sạch cát rồi lấy thìa nạo ruột ngán ra bát khác. Băm nhỏ ruột ngán và để sống khi nấu cháo sôi thì khuấy cùng (món này không nên nấu chín trước vì sẽ mất độ ngọt tự nhiên)


Ngao đun sôi kỹ lấy nước dùng cho con còn cả nhà được chừa ít ruột ngao để nấu canh mồng tơi, đúng là một công đôi việc 
Thành phẩm lươn, bề bề, tôm sau khi chế biến.
Mực ống bóp muối, rửa sạch băm nhỏ, ướp cùng chút mắm ngon. Cà chua một quả trụng qua nước sôi tách vỏ bỏ hạt, băm nhỏ. Phi thơm hành băm vụn với dầu ăn kiddy, đổ cà chua vào xào kỹ cho nhuyễn, tiếp tục cho mực vào xào cùng. Khi sốt sệt lại thì nhắc ra để nguội.
Gà luộc hoặc hấp chín kỹ, để nguội lọc bỏ da, gân và xương băm nhỏ. Có thể để vậy cấp đông luôn hoặc nhắc lên bếp cho chút mắm ngon bật nhỏ lửa để làm ruốc. Nếu thích đậm đà hơn thì lọc thịt gà sống băm nhỏ ướp chút mắm ngon và xào với hành phi vàng. Mỗi lần làm thịt gà mình thường nấu 3 kiểu một lúc để tiện đổi vị cho con.
Ruốc cá tráp.


Chia ra vào khay đá (mỗi ô một thìa vừa đủ cho một bữa cháo của con)
Ảnh trên gồm có: mực sốt cà chua, ếch phi hành, ruốc gà.
 

Chia ra vào khay đá (mỗi ô một thìa vừa đủ cho một bữa cháo của con)
Ảnh trên gồm có: tôm, bề bề, lươn, ruốc cá


Chia ra vào khay đá (mỗi ô một thìa vừa đủ cho một bữa cháo của con)
Ảnh trên gồm có: thịt gà phi hành, gà luộc băm xé tơi
Tất cả thành phẩm cần được bảo quản kỹ trong hộp kín hoặc khay đá đã bọc wrapping.
Chuẩn bị nước dùng trữ đông:
Nước dùng ninh từ xương sườn lợn, xương gà hoặc nước luộc ngao, hến...để nguội và cũng cấp đông tương tự rau và cháo. Mình không ủ cháo luôn bằng nước dùng mà cấp đông riêng vì muốn đổi vị cho con, hôm nay nước dùng bằng xương, mai nước dùng bằng nước ngao, hến hay cua...sẽ hấp dẫn hơn nhiều. Mỗi lần mình làm khoảng 3 khay nước dùng dự trữ.
Nước dùng ninh từ xường sườn, để lắng, hớt hết váng mỡ và rót ra khay đá đem cấp đông.

Các mẹ lưu ý là thức ăn dự trữ kiểu này hoàn toàn không mất chất đâu nhé, mọi vi chất đều được giữ nguyên vẹn trong vòng 1 tháng nếu tủ lạnh luôn hoạt động tốt, tuy nhiên mình chỉ dự trữ số lượng thực phẩm cấp đông đủ để cho con ăn trong vòng 1 tuần đến 10 ngày thôi, sau đó phần thừa còn lại mình bỏ đi và làm cái khác cho yên tâm (cũng hơi lãng phí nhỉ? :D)

Sau đấy khi nào cần cho con ăn mình sẽ lấy ra 1 viên thức ăn mặn, 1- 2 viên rau, 3-4 viên cháo, 3-4 viên nước dùng, cho mỗi loại vào một cái bát con rã đông vài phút trong lò vi sóng rồi đổ nước dùng vào cháo đun sôi trên bếp gas, nêm nếm gia vị vừa miệng, cho thêm dầu ăn trẻ em hoặc dầu gấc (lưu ý: dầu gấc chỉ dùng 2 lần/tuần) khuấy đều, còn rau củ thì hâm lại bằng vi sóng cho khỏi mất chất và giữ nguyên vị ngọt, đổ cháo ra bát rồi cho rau củ, thức ăn mặn đã hâm nóng bằng vi sóng lên một góc bát cháo nhìn đẹp mắt mà ăn khá ngon miệng (cái này thì mình thiên biến khác đi một chút so với ăn dặm kiểu Nhật nguyên bản vì người Nhật sẽ để riêng mỗi loại đồ ăn vào một cái bát nhỏ nhưng thấy lắm bát đĩa lách cách nên mình cho cả vào một bát vừa giữ nóng lâu vừa đỡ tốn công...rửa bát! hihi :D ) 
Khi con được 6m11d, khẩu phần ăn mỗi bữa của con sẽ là: 1 viên khoai, 2 viên rau, 1 viên thức ăn, 3-4 viên cháo, 3-4 viên nước dùng. Mỗi lần chế biến mẹ sẽ để cháo+nước dùng và rau+khoai+thức ăn mỗi thứ riêng vào một bát và rã đông trong lò vi sóng.
Ảnh trên: bốn viên nước dùng
....khoai tây+bí xanh+su su+thịt ếch
...bốn viên cháo.
Cho các viên cháo, thức ăn, rau củ...vào rã đông trong lò vi sóng (chọn chức năng rã đông và chỉnh thời gian 1,5 hoặc 4,5 phút tùy theo lượng thức ăn cần rã đông. Riêng đồ ăn cho bé nhà mình thì chỉ cần 3 phút rã đông là ok)


Cho các viên cháo, thức ăn, rau củ...vào rã đông trong lò vi sóng (chọn chức năng rã đông và chỉnh thời gian 1,5 hoặc 4,5 phút tùy theo lượng thức ăn cần rã đông. Riêng đồ ăn cho bé nhà mình thì chỉ cần 3 phút rã đông là ok)
Lúc nào rảnh thì mình "tạm ngừng" dùng rau củ, thức ăn mặn cấp đông mà chế biến đồ tươi cho con với cháo, nước dùng cấp đông để thực đơn thêm phong phú, con ăn lạ miệng thì sẽ hào hứng với mọi bữa ăn mà mẹ đã mất công chuẩn bị.

Con có thể ăn cháo trắng với rau, thức ăn mặn riêng để thưởng thức hương vị của từng loại đồ ăn, đến khi chán ăn riêng biệt từng món rồi thì lúc ấy mẹ mới trộn lẫn vào nhau cho con đổi vị (như người lớn chan canh xì xụp ấy mà :D). Được cái Diệp Linh nhà mình rất thích ăn riêng từng món, đầu tiên em í nhẩn nha vài miếng cháo, sau mẹ xúc cho tẹo thịt em í nhai rất chi là cẩn thận (được cái công cụ lao động của em ấy cũng tương đối ổn, hơn 6 tháng mà em đã có 4 cái răng cửa rồi nhé, oách không?), rồi nuốt, rồi...há miệng ra chờ, thêm miếng rau, cứ quay vòng thế chỉ 15-20 phút là bay hơi bát cháo. Ngoài việc thưởng thức hương vị của từng loại đồ ăn, em í còn hay ngắm nghía màu sắc của chúng và tỏ ra rất thích thú với những màu xanh, đỏ, vàng... bắt mắt (màu sắc cũng có tác dụng kích thích vị giác mà). 
Thành phẩm là những bát cháo đầy màu sắc như thế này: 

6m11d: Bữa tối của em í: cháo ninh nhừ trộn khoai lang nghiền cùng rau mồng tơi hấp mài nhuyễn+tôm băm xào hành với dầu ăn kiddy
...và kết quả là như thế này => cũng bõ công mẹ nấu Diệp Linh nhỉ? 
6m12d

Bữa trưa: cháo ninh nhừ trộn cùng khoai tây nghiền + bí đỏ hấp dằm nhuyễn + thịt gà băm xào thơm với dầu ăn kiddy (nấu xong mẹ vội đi làm nên không chụp được ảnh làm tư liệu)

Bữa tối: cháo ninh nhừ trộn với khoai tây hấp nghiền nhuyễn + su su hấp mài qua rây + tôm băm xào với dầu ăn kiddy

6m13d

Bữa trưa: cháo trứng + bí đỏ và su su hấp nghiền nhuyễn + dầu ăn trộn vào cháo (con có vẻ không khoái món này nên ăn nhằn ra nhằn vào rồi bữa trưa bù em ấy "củng cố" bằng nguyên một hộp váng sữa luôn) 

Bữa tối: cháo trắng nghiền + khoai tây cà rốt hấp nghiền nhuyễn + thịt bò băm xào hành với dầu ăn kiddy (ảnh)

P/s: mẹ bê bát cháo cho em ăn, Hiếu tồ ngửi thấy thơm quá thấy liền ra hít lấy hít để xong tán tỉnh "Nếu em ăn còn thừa thì mẹ cho con ăn nhé, nhìn ngon thế!" nghĩ vừa thương vừa buồn cười, sao bọn trẻ con kiềm chế cơn thèm kém thế không biết 
6m14d

Bữa trưa: cháo ngán + bí xanh và mồng tơi hấp nghiền nhuyễn + dầu ăn trộn vào cháo (ngán là món tủ nên em ăn vèo vèo luôn đến nỗi bà trông trẻ về kể chuyện rất chi là hỉ hả  )

Bữa tối: cháo trắng nghiền trộn khoai tây hấp mài nhuyễn + cải ngọt băm xào sơ +tim gan gà băm xào hành với dầu ăn kiddy (ảnh)

6m14d

Bữa trưa: cháo ngán + bí xanh và mồng tơi hấp nghiền nhuyễn + dầu ăn trộn vào cháo (ngán là món tủ nên em ăn vèo vèo luôn đến nỗi bà trông trẻ về kể chuyện rất chi là hỉ hả  )

Bữa tối: cháo trắng nghiền trộn khoai tây hấp mài nhuyễn + cải ngọt băm xào sơ +tim gan gà băm xào hành với dầu ăn kiddy (ảnh)



6m16d

Bữa trưa: Cháo trắng quấy kỹ (không nghiền) trộn khoai lang hấp mài nhuyễn + tim gan gà cải ngọt băm xào hành với dầu ăn kiddy

Bữa tối: Cháo trắng quấy kỹ (không nghiền) trộn khoai tây hấp mài nhuyễn + thịt gà luộc băm kỹ + bí đỏ hấp chín tán nhuyễn + dầu ăn kiddy trộn vào cháo (ảnh)
 

6m17d

Bữa trưa: Cháo trắng quấy kỹ (không nghiền) trộn khoai lang hấp mài nhuyễn + tim gan gà cải ngọt băm xào hành với dầu ăn kiddy 

Bữa tối: Cháo trắng quấy kỹ (không nghiền) trộn khoai lang hấp mài nhuyễn + ếch băm xào hành với dầu ăn kiddy + bí xanh hấp chín tán nhuyễn (ảnh)
6m18d

Bữa trưa: Cháo trắng quấy kỹ (không nghiền) trộn khoai tây hấp mài nhuyễn + ếch băm xào hành với dầu ăn kiddy + rau ngót, bí xanh hấp chín tán nhuyễn

Bữa tối: Cháo trắng quấy kỹ (không nghiền) trộn khoai lang hấp mài nhuyễn + gà luộc xé tơi + bí xanh, mồng tơi hấp chín tán nhuyễn +dầu ăn kiddy trộn vào cháo (ảnh)

P/s: tại mấy bữa em ra bà nội thay đổi môi trường sinh hoạt đột ngột nên lại bị bón, biết thịt gà ăn kèm mồng tơi chưa đúng kiểu nhưng mẹ vẫn nấu để em nhuận tràng, may cuối cùng em vẫn ăn thun thút...hihi 

6m19d
Trưa: cháo khoai lang++mực ống sốt cà chua+bí xanh+dầu gấc
tối: cháo ếch khoai tây+su su+bí xanh+dầu gấc


6m20d
trưa: cháo khoai tây+thịt gà+ mồng tơi+rau ngót
chiều: cháo trắng khoai tây+ mực sốt cà chua+ bầu hấp+ rau ngót (ảnh)
bữa phụ: sữa chua
tối: cháo sữa bột+ nước cam

6m21d
trưa: cháo trắng+thịt ếch+ bầu + bí đỏ
tối: cháo trắng + ngán+ mồng tơi+ rau ngót
bữa phụ: sữa chua+ nước cam

Để riêng thực phẩm kiểu này mình còn thấy có thêm một lợi ích nữa là...tiết kiệm. Nhiều khi làm được ít thức ăn ngon cho con quấy vào cháo như ngày xưa nếu mà con ăn thừa đổ đi thì phí cả cháo lần đồ ăn mặn đã mất công chuẩn bị, còn để riêng như thế này thì con ăn hết thịt cá rau củ mới chuyển sang cháo nên có thừa thì cũng chỉ thừa cháo trắng thôi nên mẹ cũng đỡ tiếc ngẩn người vì "của một đồng công một nén".

Thêm nữa, chế biến kiểu này nhiều khi cháo thừa của con mẹ còn măm được chứ nấu kiểu cũ thì chịu chết vì mùi vị hổ lốn tạp phế lù vừa khó ăn lại vừa vô vị. Cũng như người lớn mình ấy lúc miếng cơm, lúc thêm miếng thịt, gắp rau...người lớn mình ăn sao thì cho trẻ ăn như vậy chứ thử hỏi ngày nào, bữa nào cũng ăn một món na ná nhau thì đến người lớn còn ngán nói gì các con! 

Ngoài các bữa chính mình còn cho con ăn các bữa phụ với bánh dặm, sữa chua, hoa quả...Đến giờ cơm của gia đình thì nhất định con cũng được ngồi vào ghế tập ăn và thưởng thức 1,2 món gì đó trong mâm cơm bằng cách...bốc. Đây là phương pháp ăn dặm baby led weaning mình cũng rất thích áp dụng thêm cho con nhưng vì điều kiện sinh hoạt gia đình và tập quán chung của người Việt nên mình vẫn còn ngần ngại, mọi hình thức áp dụng cho con chỉ là thêm nếm mang tính chất phụ họa cho bữa ăn chính mà thôi, hy vọng con cũng tự "đúc rút" ra một vài bài học gì đó cho bản thân! :D

Mình càng chăm Diệp Linh càng thấy ngày xưa mình nuôi con dốt quá và thật tội nghiệp cho cu Hiếu vì mẹ vụng và thiếu tôn trọng con. Con dù bé cũng là một công dân độc lập cần được tôn trọng vì thế khi con không muốn ăn thì đừng có ép, đừng chê trách con là đứa trẻ lười ăn, hư đốn...mà phải trách mình quá dốt đến mức không biết con cần gì, muốn gì. Đúng là khi không có kiến thức con người ta thật mông muội, thương con chả thấy đâu mà chỉ thấy hại con...

Hy vọng chút kinh nghiệm nho nhỏ của mình sẽ giúp ích cho một số mẹ muốn theo đuổi việc nuôi con bằng phương pháp này, chúc các mẹ thành công nhé! :)

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Thanh Huyền - Premium Blogger Themes | Premium Wordpress Themes
Lên đầu trang
Xuống cuối trang